Tuy khởi đầu với điểm số không cao nhưng nhờ đức tính chủ động cùng tinh thần cầu tiến, cô nàng Võ Ái Chi (cựu sinh viên K2015 chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Dầu khí) đã bứt phá ngoạn mục và đạt được những thành tích vô cùng ấn tượng. Vậy đâu là bí quyết tạo nên sức bật của cô gái nhỏ nhắn này? Hãy cùng OISP theo dõi những dòng chia sẻ chân thành dưới đây!
Bài viết liên quan
▶ Bùi Nguyễn Bảo Trâm: Đậu Y, học Bách, thích thử thách tới cùng
▶ Nguyễn Hoài Tân – Sinh viên ưu tú ngành Kỹ thuật Dầu khí, chương trình Chất lượng cao K2016
Xin chào các bạn!
Mình là Võ Ái Chi, nữ sinh duy nhất của lớp Kỹ thuật Dầu khí chương trình Chất lượng cao khóa K2015. Với niềm đam mê mãnh liệt dành cho ngành dầu khí, mình đang tích cực học tập để hiện thực hóa giấc mơ của mình.
NHỮNG NĂM THÁNG ĐẠI HỌC CHĂM CHỈ
Ban đầu, khi mới nhập học, mình được biết nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp dầu khí không nhiều, hơn nữa mình lại là con gái. Tuy nhiên, mình vẫn kiên trì “học, học nữa, học mãi” bởi mình luôn có lòng tin rằng nếu trau dồi năng lực chuyên môn vững vàng, bạn sẽ tìm thấy công việc thật tốt.
Hồi học đại học, điểm số học thuật của mình còn kém. Do đó, mình lúc nào cũng cố gắng học tập. Nhờ vậy, mình may mắn nhận phần thưởng tiến bộ vượt bậc từ Văn phòng Đào tạo Quốc tế, đồng thời đạt được khen thưởng dành cho sinh viên hoàn cảnh khó khăn có kết quả học tập tốt của Hiệp hội Kỹ sư Dầu khí (Society of Petroleum Engineers – SPE).
Mùa hè năm Nhất, sau khi được một số anh chị tiền bối gợi ý tham gia các dự án nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên, mình đã rụt rè gõ cửa phòng thầy Tạ Quốc Dũng để trình bày nguyện vọng góp sức.
Vào thời điểm đó, thầy là Trưởng khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí. Tuy cực kỳ bận rộn nhưng thầy vẫn dành thời gian lắng nghe và hướng dẫn mình cách thức tiếp cận, khai thác và giải quyết vấn đề. Mình cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi thầy đồng ý trực tiếp dẫn dắt mình làm nghiên cứu khoa học. Với sự giúp đỡ tận tình của thầy, mình có thể tiếp cận nhiều nguồn tài liệu chuyên sâu, từ đó hiểu biết sâu sắc hơn về những thuận lợi, khó khăn của ngành dầu khí Việt Nam.
KỲ THỰC TẬP Ở MALAYSIA VÀ HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ BẢN THÂN
Với những thành tích nhất định trong quá trình học tập và hoạt động, vào đầu hè năm Ba, mình được các thầy trong khoa gửi đi thực tập ở Universiti Teknologi PETRONAS (UTP), một trong những trường đại học tư thục hàng đầu Malaysia, trực thuộc Tập đoàn PETRONAS. Mình thực sự rất nhớ khoảng thời gian ý nghĩa ở quốc gia Hồi giáo này. Nhớ từ những lớp học thú vị về chính sách và di sản văn hóa cho đến những buổi sáng mát mẻ chạy quanh hồ bơi trong khuôn viên trường.
Nhờ tiếp thu kinh nghiệm của các anh chị đi trước đã sinh sống và làm việc nhiều năm tại UTP, mình có thể am hiểu tường tận hơn về văn hóa, lối sống của người dân bản xứ, đồng thời nhanh chóng thích nghi nhịp sống mới và hòa nhập với bạn bè ở phòng lab.
Trong khoảng thời gian quý giá này, mình không chỉ học hỏi nhiều điều mới mẻ về đất nước – con người Malaysia mà còn tự tìm hiểu chính mình, trở nên trưởng thành, tự tin và độc lập hơn trước. Mình bắt đầu cân nhắc nghiêm túc về những lựa chọn của bản thân sau khi tốt nghiệp bởi các môn học của ngành Kỹ thuật Dầu khí tại Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí, Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) đã thôi thúc mình dấn thân vào ngành sản xuất dầu mỏ.
Ở UTP, mình được giáo sư cấp cho một bàn làm việc nho nhỏ để tự học (đã trang bị máy tính). Thầy cung cấp nhiều tài liệu cho mình nghiền ngẫm. Sau đó, mỗi tuần mình sẽ làm một bài báo cáo ngắn về những gì đã học được cùng những điểm còn vướng mắc. Căn cứ vào bản báo cáo này, thầy sẽ dành thêm một chút thời gian để giải thích vấn đề đó thật cặn kẽ. Nếu có lớp học về cùng chủ đề, thầy giáo sẽ đưa mình đi theo dự thính. Tuy nhiên, trong một vài tuần, giáo sư bận việc không có mặt ở trường. Vì vậy, thầy sẽ nhờ những giảng viên khác có kiến thức chuyên môn liên quan đến hướng dẫn sinh viên tụi mình.
Bên cạnh việc học, cơ hội vi vu rong ruổi vào các dịp lễ hội cũng là những trải nghiệm không thể nào quên đối với một du học sinh. Lúc mình sang UTP trao đổi (tháng 9/2018), cộng đồng người Việt ở trường khá khiêm tốn. Thế nhưng, các anh chị đã nhiệt tình chia sẻ toàn bộ bí kíp du lịch một mình, giúp mình đặt vé, đưa mình ra bến xe buýt để qua Singapore chơi. Nhờ đó, mình đã có được chuyến đi phượt vô cùng đáng nhớ.
Ngày cuối cùng của kỳ thực tập tại Malaysia kết thúc bằng bài thuyết trình về những kiến thức chuyên môn mà mình đã tiếp thu ở UTP. Tiếp theo, giáo sư tổ chức một bữa tiệc trà chiều để chúc mừng và tặng quà chia tay mình. Trở về từ Malaysia, mình gặp phải một số khó khăn trong việc chuyển đổi điểm số giữa hai trường cũng như bị điểm danh vắng một số buổi sinh hoạt công dân định kỳ tại Bách khoa. Lúc đó, thầy Dũng và các thầy cô trong khoa đã luôn động viên tinh thần và giúp đỡ mình xử lý vấn đề.
Trong suốt bốn năm học tập dưới mái trường Bách khoa, mình vô cùng biết ơn những thầy cô của Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí cùng các anh chị nhân viên Văn phòng Đào tạo Quốc tế vì đã luôn niềm nở giảng giải, hướng dẫn mỗi khi mình cần hỗ trợ.
Bài viết liên quan
▶ Dầu khí – khát nguồn nhân lực chất lượng cao
▶ Cơ hội nghề nghiệp đa dạng cho kỹ sư dầu khí
▶ Dầu khí Bách khoa: Đẩy mạnh hoạt động phân khúc hạ nguồn và năng lượng bền vững
GIÁ TRỊ CỦA CƠ HỘI DU HỌC THẠC SĨ TẠI THÁI LAN
Thông qua bạn bè, mình quen biết với hai cựu sinh viên Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí là anh Phan Trung Nghĩa và anh Nguyễn Văn Thuận. Sau khi được các anh chia sẻ thông tin, ngay sau khi bảo vệ luận văn tốt nghiệp đại học, mình đã mạnh dạn gửi hồ sơ sang Thái Lan để ứng tuyển học bổng thạc sĩ. Cuối cùng, trước ngày lễ tốt nghiệp, mình nhận được học bổng thạc sĩ toàn phần của Đại học Chulalongkorn (Bangkok, Thái Lan).
Mình học thạc sĩ theo hình thức coursework nên phương pháp và lộ trình học tập gần giống với chương trình đại học ở Việt Nam. Thế nên, mình không cần mất quá nhiều thời gian để làm quen với phong cách học tập và làm việc tại Đại học Chulalongkorn. Mình cũng từng tham gia buổi bảo vệ luận án tiến sĩ online ở UTP. Vì vậy, đối với mình, trải nghiệm học và thi dưới hình thức online trong tình hình dịch bệnh hiện tại không còn quá mới lạ hay vất vả.
Không chỉ chắp cánh cho mình theo đuổi con đường học vấn, cơ hội du học còn giúp mình khám phá những nền văn hóa mới, địa điểm mới và gặp gỡ, làm quen với nhiều người bạn mới đến từ khắp nơi trên thế giới. Đại học Chulalongkorn có một nguồn quỹ dành riêng để hỗ trợ sinh viên sang học tập, trao đổi. Do đó, vào học kỳ đầu tiên, mình đã được học cùng các bạn sinh viên đến từ Islamic University of Riau trong một số lớp cơ bản.
Hơn nữa, trước khi làn sóng COVID-19 đầu tiên tấn công đất nước chùa Vàng, mình đã kịp tham gia nhiều buổi workshop bổ ích, trong đó các chuyên viên đến từ công ty Schlumberger sẽ giao lưu trực tiếp với sinh viên và hướng dẫn tụi mình sử dụng phần mềm Petrel để mô phỏng vỉa. Một thông tin ngoài lề nữa là cộng động người Việt sinh sống, làm việc, học tập tại Thái Lan, đặc biệt là ở thủ đô Bangkok rất đông. Đây cũng là lần thứ hai du học nước ngoài nên mình không còn cảm thấy cô đơn như hồi sống tại Malaysia.
Bên cạnh những điều may mắn trên, mình cũng vướng phải một số khó khăn nhất định. Do qua Thái Lan trong thời kỳ dịch bệnh, mình ít có cơ hội đi thực địa hơn. Số lượng sinh viên mới cũng bị hạn chế. Điều này đồng nghĩa với việc mình có ít bạn bè quốc tế hơn.
Vì yêu cầu thông hiểu về chuyên môn ở chương trình du học thạc sĩ khá cao nên nhiều lúc mình cũng không thể nào theo kịp nếu chỉ học trên lớp một lần. Bí quyết hữu ích mà mình học được từ một người bạn là quay phim bài giảng của thầy. Đến lúc về nhà, mình có thể nghe lại nhiều lần cho tới khi hiểu bài cặn kẽ.
Mình không thể liệt kê tất cả kinh nghiệm chỉ trong phạm vi một vài trang giấy. Thế nhưng, mình thực sự hy vọng bài viết khiêm tốn này đã giúp bạn biết rõ hơn về những giá trị mà bạn có thể đạt được khi quyết định du học. Nhờ trải nghiệm quá nhiều thứ trong một khoảng thời gian ngắn, mình đã phát triển các kỹ năng cần thiết, trở nên độc lập hơn, mở mang đầu óc, tiếp xúc với những nền văn hóa mới, kết giao thêm nhiều bạn tốt, đồng thời tô điểm CV của bản thân.
Trong xu thế hội nhập toàn cầu, du học có thể mang đến triển vọng việc làm tốt hơn. Hiện nay, các nhà tuyển dụng thường tìm kiếm những ứng viên có kinh nghiệm học tập, làm việc ở nước ngoài bởi nhờ đó, họ có thể bổ sung cho mình những góc nhìn đa chiều hơn về các khía cạnh văn hóa trên khắp thế giới.
Mình nhận thấy rằng chỉ cần bản thân sống lạc quan, có kế hoạch cụ thể, chăm chỉ rèn luyện bản thân thì dù sinh sống hay học tập ở bất cứ nơi đâu, những cánh cửa tuyệt vời vẫn sẽ mở ra với mình. Thất nghiệp là điều không thể xảy ra nếu mỗi chúng ta đủ năng động và tích cực.
Cuối cùng, mình luôn khuyến khích các bạn tận dụng mọi cơ hội du học để khám phá và trải nghiệm. Tuy nhiên, hãy chuẩn bị tinh thần nha. Bạn có thể “mắc bẫy” nếu chỉ nghĩ tới chuyện du lịch và sao nhãng nhiệm vụ học hành.
Bài, hình: VÕ ÁI CHI
Nhằm đào tạo nguồn nhân lực vững chuyên môn và giỏi ngoại ngữ cho lĩnh vực dầu khí, từ năm 2013, Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) đã triển khai chương trình Chất lượng cao và Chuyển tiếp Quốc tế ngành Kỹ thuật Dầu khí (mã trường: QSB, mã ngành: 220). |