Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

3 con đường sự nghiệp khi du học cùng Bách khoa

Sinh viên tốt nghiệp chương trình Chuyển tiếp Quốc tế của Trường ĐH Bách khoa (TP.HCM) có thể học sau ĐH, làm việc tại nước ngoài hoặc về nước làm cho các tập đoàn đa quốc gia.

Chương trình Chuyển tiếp Quốc tế là chương trình đào tạo chính quy theo mô hình bán du học do Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) phối hợp vận hành với các ĐH đối tác thuộc top 1% thế giới từ Úc, Mỹ, New Zealand, Nhật. 

Hai năm đầu học tại Bách khoa, sinh viên được chuẩn bị đầy đủ hành trang du học, bao gồm: nâng cao sức khỏe, trau dồi tiếng Anh, đào sâu chuyên môn và phát triển kỹ năng mềm. Ở giai đoạn hai, sinh viên chuyển tiếp qua ĐH đối tác để hoàn tất chương trình học và nhận bằng từ trường bạn.

Sau khi tốt nghiệp, với thế mạnh thông thạo ngoại ngữ và vững vàng chuyên môn, sinh viên chương trình Chuyển tiếp Quốc tế có thể tự tin gia nhập thị trường lao động bằng ba hướng đi chính: tiếp tục học lên bậc sau đại học, ở lại làm việc tại nước bạn hoặc về Việt Nam lập nghiệp.

Mình là Huỳnh Thanh Nhân, cựu sinh viên K2015 chương trình Chuyển tiếp Quốc tế sang Nhật. Mình đã tốt nghiệp đại học, thạc sỹ tại ĐH Công nghệ Nagaoka và đang làm Kỹ sư Nghiên cứu – Phát triển tại Nippon Chemi-Con (công ty linh kiện điện tử của Nhật).

Cũng như nhiều bạn trẻ khác, mình rất mong muốn trở về Việt Nam sinh sống và làm việc, nhưng hiện tại chưa phải thời điểm phù hợp. Mình ở lại Nhật Bản vì cảm thấy còn quá nhiều thứ hay ho để học hỏi từ nước bạn như: tiếng Nhật nâng cao, kỹ năng kinh doanh, khả năng quản lý, quy trình làm việc, tư duy kỹ thuật – những điều không có trong môi trường đại học. 

Sinh viên chương trình Chuyển tiếp Quốc tế sang Nhật được nhà tuyển dụng ưu ái nhờ học tập tại ĐH Công nghệ Nagaoka – trường kỹ thuật công lập danh tiếng tại xứ sở hoa anh đào. Theo Thống kê tình trạng việc làm năm 2023 của nhà trường, tỷ lệ sinh viên xin việc thành công trước khi tốt nghiệp là trên 99%. 

Các công ty Nhật Bản không yêu cầu kinh nghiệm mà sẽ đào tạo lại từ đầu. Bên cạnh đó, việc thiếu nhân sự trình độ cao luôn là vấn đề nhức nhối của đất nước này trong nhiều năm qua. Điều đó càng mở ra nhiều cơ hội làm việc cho sinh viên chương trình Chuyển tiếp Quốc tế sang Nhật của Trường ĐH Bách khoa. 

Tất nhiên, không phải vì vậy mà bạn lơ là chuyện học, không chú tâm nghiên cứu hay thiếu trải nghiệm đời sống sinh viên. Nên nhớ rằng, người Nhật rất đề cao phong cách chỉn chu, ý chí nghị lực và tinh thần trách nhiệm.

Mình là Phạm Lâm Đình Quang, cựu sinh viên K2016 chương trình Chuyển tiếp Quốc tế sang Nhật ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử. Hiện mình đã tốt nghiệp ĐH Công nghệ Nagaoka và đang học tiến sỹ ngành Kỹ thuật Thông tin và Điều khiển. 

Ở giai đoạn hai, để bắt kịp bài vở tại ĐH Công nghệ Nagaoka, sinh viên cần có nền tảng tiếng Nhật thật tốt. Và Bách khoa đã trang bị điều này từ sớm cho sinh viên chương trình Chuyển tiếp Quốc tế sang Nhật. 

Ưu điểm của trường đối tác là tụi mình có thể đăng ký đi thực tập để tốt nghiệp cử nhân và lên thẳng bậc thạc sỹ(*). Đây là cơ hội quý giá để người học cọ xát với môi trường làm việc của các doanh nghiệp Nhật, đồng thời đào sâu chuyên môn theo định hướng nghiên cứu.

Thực ra ban đầu, mình chỉ dự tính du học hết bậc thạc sỹ (ở Nhật, ngành khoa học – kỹ thuật yêu cầu nhân sự đạt trình độ từ thạc sỹ trở lên). Tuy nhiên, nhận thấy đề tài nghiên cứu có nhiều tiềm năng phát triển, mình quyết định tiếp tục bậc học cao hơn. Sau khi tốt nghiệp, mình sẽ ở lại Nhật làm việc vài năm trước khi về nước.

Mình là Vũ Thanh Tùng, cựu sinh viên K2016 chương trình Chuyển tiếp Quốc tế sang Úc ngành Kỹ thuật Cơ Điện tử, đã tốt nghiệp ĐH Công nghệ Sydney

Hiện mình làm Quản lý Kỹ thuật tại GlobalSew (Việt Nam) – công ty chuyên về máy may công nghiệp tự động cho giày dép túi xách đến từ Hà Lan.

Vì công việc hiện tại vừa đúng chuyên ngành, vừa có yếu tố nghiên cứu, phát triển nên mọi điều mình học được từ Bách khoa và ĐH Công nghệ Sydney đều cực hữu ích. Ngoài kiến thức chuyên môn, mình còn nắm chắc nhiều kỹ năng mềm cùng phương pháp tư duy – yếu tố quan trọng giúp mình nâng cấp bản thân trong công việc và cuộc sống.

Mình chọn trở về một phần vì lý do gia đình, đồng thời nhận thấy cơ hội phát triển ở nước mình không hề kém cạnh so với những quốc gia khác. Đặc thù của ngành kỹ thuật là phát triển không ngừng. Các công ty luôn tìm kiếm nhân sự giỏi chuyên môn, rành ứng dụng và thích ứng nhanh.

Theo mình, sinh viên chương trình Chuyển tiếp Quốc tế của Trường ĐH Bách khoa sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn vì Bách khoa vốn là ĐH kỹ thuật hàng đầu Việt Nam. Hơn nữa, đối tác đào tạo của Bách khoa đều là những ĐH danh tiếng trên thế giới. Tuy nhiên, song song với điều đó, doanh nghiệp cũng đặt ra yêu cầu cao hơn đối với các bạn. Về phần này, các bạn yên tâm. Trường ĐH Bách khoa và trường đối tác sẽ mở môn hướng dẫn cách viết CV, trả lời phỏng vấn để sinh viên vững vàng hơn trước khi ra trường. 

Bài: XUÂN MAI 

—–

(*) Tại ĐH Công nghệ Nagaoka, đến giữa năm Tư, sinh viên sẽ chọn một trong hai hướng: tốt nghiệp cử nhân hoặc học lên thạc sỹ. 

Nếu học lên thạc sỹ, bạn sẽ thực tập bốn tháng tại một trong các công ty liên kết với nhà trường. Sau khi hoàn tất kỳ thực tập, sinh viên lên thẳng bậc thạc sỹ mà không cần trải qua kỳ thi đầu vào. Bên cạnh đó, trường cũng có chính sách miễn giảm học phí và trao nhiều học bổng cho sinh viên chương trình thạc sỹ. 

Nếu chọn tốt nghiệp cử nhân, sinh viên cần bảo vệ luận văn trước hội đồng đánh giá.

Kính mời quý phụ huynh và các em học sinh đến tham gia Ngày hội Du học Bách khoa 2024 để tìm hiểu thông tin chi tiết về chương trình Chuyển tiếp Quốc tế.
  • 7g00–12g00 Chủ Nhật, 17/3/2024
  • Trường ĐH Bách khoa, 268 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10
  • Đăng ký tham gia tại oisp.hcmut.edu.vn/bkduhoc

Bài trước

Bài tiếp