Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Du học chuyển tiếp – Hành trình rèn mình ở xứ người của SV Bách khoa Quốc tế

Sự độc lập, dạn dĩ và tinh thần kỷ luật là kết quả quá trình tự rèn luyện bền bỉ của sinh viên chương trình Chuyển tiếp Quốc tế ở nước bạn. 

Bài viết liên quan
Du học khối ngành kỹ thuật cùng Bách khoa
Du học khối ngành quản trị cùng Bách khoa
Du học cùng Bách khoa: 12 ĐH đối tác Úc, Mỹ, New Zealand, Nhật để bạn lựa chọn
Ba con đường sự nghiệp khi du học cùng Bách khoa

Mình là Phạm Hữu Thiên, sinh viên K2018 chương trình Chuyển tiếp Quốc tế sang Úc ngành Kỹ thuật Cơ Điện tử. Mình qua Úc từ tháng 2/2023 và đang học năm cuối tại ĐH Công nghệ Sydney. 

Mình ấn tượng nhất là cơ sở vật chất của ĐH Công nghệ Sydney cực kỳ hiện đại, phải chấm 12/10. Trường có nhiều tòa nhà mới tinh. Các phòng học được thiết kế theo mô hình làm việc nhóm, gồm nhiều bàn nhỏ cùng 3-4 màn hình tivi được bố trí nhiều hướng khác nhau để sinh viên dễ dàng theo dõi bài giảng. Thư viện phân thành nhiều khu, khu học nhóm, khu máy tính, khu tự học… 

Thầy cô thân thiện, lớp học sôi nổi. Người học mạnh dạn đặt câu hỏi cho giảng viên và thoải mái thảo luận với nhau. Chương trình được xây dựng theo hướng chú trọng thực hành nhóm. Đây chính là cơ hội thuận lợi để mình giao lưu kết bạn và nâng trình nghe nói tiếng Anh. Do đó, mình tìm được những người bạn ngoại quốc hài hước, vui vẻ và hợp tính. 

ĐH Công nghệ Sydney còn có nhiều câu lạc bộ sinh viên năng nổ, cũng như thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo định hướng nghề nghiệp. Đặc biệt, Trung tâm Hướng nghiệp hoạt động rất hiệu quả, giúp sinh viên tìm kiếm công việc phù hợp, chỉnh sửa CV, luyện tập phỏng vấn… Bật mí, mình giành vé thực tập đầu tiên tại Úc qua website nghề nghiệp của trường. Hiện tại, mình hoàn toàn hài lòng khi lựa chọn chương trình Chuyển tiếp Quốc tế sang Úc và rất thích học tập tại đây.

Hơn một năm qua, mình trưởng thành hơn quá trời. Nếu như hồi ở Việt Nam, mình hay ngủ nướng và ăn cơm tiệm thì giờ đây, mình đảm đang dữ lắm, cân hết đi chợ, rửa chén, nấu ăn, tính toán chi tiêu. Nhớ mấy món đầu tiên mình nấu ở Úc dở tệ. Nhưng nhờ kiên trì tự học qua YouTube, nay mình dám tự hào có thêm nghề tay trái là đầu bếp đó nha. 

Lúc trước khi bên cạnh gia đình, tính mình hơi rụt rè. Có chuyện gì chỉ cần nhờ một tiếng là xong. Qua đây phải tự lo mọi thứ. Vì vậy, mình trở nên dạn dĩ, tháo vát hơn. 

Sau khi ổn định, mình từ từ đạt được một số mục tiêu nho nhỏ, một trong số đó là tự chuẩn bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để tự tin đi thực tập hè tại Úc (từ tháng Mười đến tháng Hai). Từ đây, mình tích lũy được nhiều trải nghiệm thực tế qua việc làm dự án, đồng thời trau dồi vốn tiếng Anh công sở khi trao đổi thông tin với cấp trên. Mình cũng chơi thân với hai sếp của mình – những đàn anh hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực IT ở Úc.

Điều đáng tự hào nhất về bản thân là mình có thể sống tự lập tại xứ sở chuột túi, không người thân kề cận. Mình biết cách chi tiêu hợp lý và lên kế hoạch hàng ngày. Thêm vào đó, khả năng nấu nướng của mình được nâng lên một tầm cao mới. Từ một đứa tương đối vụng về, mình đã hô biến ra nhiều món Việt siêu ngon.

Mình là Đỗ Sỹ Anh, cựu sinh viên K2018 chương trình Chuyển tiếp Quốc tế sang Nhật ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử. Hiện mình đang học thạc sỹ năm Nhất ngành Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu tại ĐH Công nghệ Nagaoka. 

Vì mong muốn phát triển bản thân tại một đất nước mang đậm văn hóa phương Đông, sau khi tìm hiểu, mình quyết định chọn Nhật Bản làm điểm đến trong hành trình học tập với chương trình Chuyển tiếp Quốc tế sang Nhật.

Ở giai đoạn đầu tại Bách khoa, chương trình đào tạo song song kiến thức cơ sở ngành với ngôn ngữ, văn hóa Nhật Bản. Văn phòng Đào tạo Quốc tế thường tổ chức các đợt ôn luyện kỳ thi EJU(*) và trang bị kỹ năng cần thiết, giúp sinh viên tự tin vượt qua vòng phỏng vấn chuyển tiếp.

Mình qua Nhật học gần hai năm rồi. Chương trình học ở ĐH Công nghệ Nagaoka có nhiều lĩnh vực xoay quanh phân ngành điện, điện tử, thông tin. Qua đó, sinh viên có góc nhìn khách quan hơn khi chọn lab nghiên cứu sau này. Môi trường học thuật phân hóa đa dạng chủ đề, từ dự án có tính ứng dụng cao đến đề tài mang nặng tính lý thuyết. 

Các giáo sư của trường giảng dạy rất bài bản và quy củ, đồng thời tạo điều kiện để tụi mình cải thiện điểm số. Cơ sở vật chất tiện nghi, hiện đại. Phòng lab được trang bị đầy đủ thiết bị xịn sò, tân tiến. 

Đặc biệt, nhà trường luôn khuyến khích sinh viên thực tập, làm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản thông qua việc giới thiệu, tiến cử. Nhờ đó, tỷ lệ sinh viên tìm được việc làm trước khi tốt nghiệp hàng năm rất cao.

Sỹ Anh chụp hình kỷ niệm với ông Eiichi Kuriwada (phải) – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm CEO tập đoàn SG Holdings.
Sỹ Anh (hàng đứng xa người chụp nhất, thứ năm từ trái qua) chụp kỷ niệm cùng ông Eiichi Kuriwada (hàng ngồi, chính giữa) – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm CEO tập đoàn SG Holdings, và các sinh viên nhận học bổng khoá 38 của Quỹ học bổng SHG.
Sỹ Anh (chính giữa khung hình, đeo kính, cầm quà) bên các nhân viên tập đoàn Rakuten trong kỳ thực tập của mình.
Sỹ Anh bên các thành viên CLB đá banh Nagaoka.

Câu chuyện giao tiếp giữa du học sinh tụi mình và sinh viên bản xứ dù còn nhiều rào cản nhưng nhìn chung, nơi đây là môi trường giao lưu văn hóa rất đáng trải nghiệm. Đồng thời, nếu tích cực tham gia câu lạc bộ, bạn có thể cân bằng chuyện học và hoạt động ngoại khóa.

Nhìn lại chặng đường vừa qua, mình đã thay đổi rất nhiều: tự lập, trưởng thành, tập quen với lối sống cộng sinh đa văn hóa, rèn luyện tinh thần kỷ luật cùng phong cách chỉn chu, nền nếp của người Nhật. Nhờ sự nỗ lực học hành, mình đạt được một số thành tích như: rinh học bổng JASSO bậc đại học, được ĐH Công nghệ Nagaoka hỗ trợ giảm học phí, nhận học bổng toàn phần suốt quá trình học thạc sỹ từ quỹ học bổng SGH…

Bài: XUÂN MAI

________

(*) Văn phòng Đào tạo Quốc tế (OISP) luôn quan tâm sâu sát đến quá trình học tập của mỗi sinh viên chương trình Chuyển tiếp Quốc tế. Để chuẩn bị cho các kỳ sát hạch, OISP sẽ tổ chức đợt ôn luyện kéo dài năm tuần. Người học được trao đổi chuyên sâu với giảng viên và tập dượt kỹ lưỡng trong những buổi thi mô phỏng.

Kính mời quý phụ huynh và các em học sinh đến tham gia Ngày hội Du học Bách khoa 2024 để tìm hiểu thông tin chi tiết về chương trình Chuyển tiếp Quốc tế.
  • 7g00–12g00 Chủ Nhật, 17/3/2024
  • Trường ĐH Bách khoa, 268 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10
  • Đăng ký tham gia tại oisp.hcmut.edu.vn/bkduhoc

Bài trước

Bài tiếp