ĐH Queensland (Úc) – top 50 ĐH tốt nhất thế giới, là điểm đến du học của Phạm Trí Nhân (sinh viên K2021 chương trình Chuyển tiếp Quốc tế ngành Khoa học Máy tính). Trải nghiệm học tập tại ngôi trường danh giá bậc nhất này có gì đặc biệt? Cùng OISP tìm hiểu qua góc nhìn của cậu bạn nha.
Bài viết liên quan
► Những cái “đã” khi du học tại Niigata (Nhật Bản)
► Võ Ngọc Khánh Linh: Nếu không trau dồi tiếng Anh, bạn đang gạt bỏ cơ hội trước mắt
► Phạm Minh Ngọc Thảo: Từ chối 4 ĐH lớn để về đội Bách khoa
► Bùi Đức Minh: chủ động học hỏi và đồng hành với những kẻ khổng lồ
Mình là Phạm Trí Nhân, sinh viên K2021 chương trình Chuyển tiếp Quốc tế ngành Khoa học Máy tính. Mình chuyển tiếp qua ĐH Queensland từ tháng Bảy năm ngoái và hiện đang theo học ngành Kỹ thuật Phần mềm.
BÁCH KHOA – BƯỚC ĐỆM VỮNG CHẮC
Từ hồi cấp Ba, mình đã tham gia nhiều khóa học lập trình ngắn hạn. Cảm thấy quá hứng thú, mình xác định theo ngành này luôn. Nói về lĩnh vực kỹ thuật thì Trường ĐH Bách khoa là thứ dữ rồi. Do đó, mình quyết tâm “đầu quân” vô ngành Khoa học Máy tính.
Sau khi tìm hiểu, mình tìm thấy thông tin về chương trình Chuyển tiếp Quốc tế. Các đối tác của Bách khoa đều là những ĐH danh giá tại Úc. Bách khoa chắc chắn là môi trường tuyệt vời để mình trang bị đầy đủ hành trang trước khi du học. Đó là lý do vì sao mình lựa chọn chương trình Chuyển tiếp Quốc tế.
Chương trình đào tạo tại Bách khoa Quốc tế (nhất là các lớp Kỹ năng Mềm) giúp mình hoàn thiện bản thân cả về chuyên môn lẫn kỹ năng, tạo điều kiện để mình thoát ra khỏi vùng an toàn. Điều quý giá với mình là hội bạn thân thời đại học. Đa số các bạn tới từ Google Developer Student Club (GDSC).
Cả nhóm đồng cam cộng khổ trong nhiều dự án lớn nhỏ của GDSC như: AI Series, SEBiz, Info Seminar, cày cuốc vượt bão deadline và chinh chiến ở cuộc thi GDSC Hackathon Vietnam 2023 (tranh thủ khoe xíu là tụi mình đã góp mặt ở Vòng Chung kết đó ^^).
Năm Nhất, năm Hai trôi vèo một cái. Vậy là tới lúc mình chuẩn bị qua trường bạn. Trong quá trình chuẩn bị chuyển tiếp, Văn phòng Đào tạo Quốc tế (OISP) giúp đỡ mình siêu nhiều. Vì vậy, mình hoàn thiện hồ sơ cực lẹ. Có lúc, 12g khuya mình nhắn tin hỏi cách làm thủ tục, các chuyên viên vẫn túc trực trả lời nhiệt tình. Những ngày đầu qua Úc, mình vẫn nhận được sự quan tâm, hỏi han đều đặn từ phía anh chị. Mình cho OISP 10 điểm không có nhưng!
TỰ HÀO LÀ SINH VIÊN ĐH TOP ĐẦU THẾ GIỚI
Mình chuyển tiếp qua ĐH Queensland tới nay đã bảy tháng rồi. Nhờ nền tảng tiếng Anh ổn áp được rèn luyện ở Bách khoa, mình có thể giao tiếp dễ dàng với bạn bè quốc tế, đồng thời nhanh chóng bắt kịp nhịp sống mới tại đây.
Môi trường học tập ở trường đối tác cực kỳ năng động. Thầy cô rất quan tâm tới sinh viên. Đặc biệt, các trợ giảng hay hỗ trợ tận tình khiến mình cảm thấy như có thêm một người bạn đồng hành trong quá trình học tập.
Bài giảng được quay lại đầy đủ, kèm theo phụ đề để người học ôn tập thuận lợi. Cách dạy bám sát thực tế. Kiến thức lý thuyết được đúc rút từ những vấn đề thực tiễn, gắn với ví dụ minh họa sinh động, mang tính ứng dụng cao. Nhà trường còn xây dựng diễn đàn riêng để giáo sư, trợ giảng, sinh viên trao đổi, thảo luận về các câu hỏi chuyên sâu. Mọi thắc mắc thường được giải đáp cặn kẽ trong vòng tối đa một ngày làm việc.
Với mình, “đặc sản” của ĐH Queensland là yêu cầu cực cao về tư duy sáng tạo. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là trong từng môn học, giảng viên không giới hạn hướng tiếp cận – giải quyết các bài tập lớn mà khuyến khích sinh viên đưa ra nhiều giải pháp đột phá bằng cách cộng điểm.
Chẳng hạn, trong lớp Professional Engineering(*), với đề bài thiết kế xe cứu hỏa, thay vì chuyển vòi phun nước vào đúng điểm xác định như cách làm thông thường, một nhóm đã đề xuất nối dài thang cứu hỏa có trang bị dây phun nước cố định để dội nước từ trên xuống. Phương án này có vẻ không đúng lắm với tình hình thực tế nhưng giảng viên lại rất thích thú và cho điểm cao vì tính độc đáo, mới lạ.
Ban đầu, mình còn bỡ ngỡ trước những ý tưởng bá đạo kiểu này, nhưng nhờ bạn học người nước ngoài chủ động lắng nghe, gợi mở, mình đã bung xõa khỏi khuôn khổ thường ngày và cho ra đời nhiều ý tưởng táo bạo.
Các ý tưởng có thể được hiện thực hóa hoặc không nhưng luôn được đón chào nồng nhiệt. Tuy nhiên, với mỗi ý tưởng, mình cần trình bày chi tiết quá trình tư duy cũng như phân tích được điểm mạnh, điểm yếu. Tóm lại, sinh viên có quyền tự do thể hiện ý kiến nhưng vẫn phải thông qua nhiều quy trình cần thiết để chứng minh ý kiến đó là hợp lệ và thuyết phục. Và tất nhiên, qua mỗi môn học, mình vừa nâng trình tư duy sáng tạo vừa làm việc nhóm hiệu quả hơn nhiều.
Về hoạt động ngoại khóa, trước khi học kỳ chính thức bắt đầu, ĐH Queensland tổ chức ngày hội O-week để tân sinh viên làm quen với cuộc sống mới. Suốt tuần đầu tiên này, tụi mình đi loanh quanh tham quan khuôn viên, đồng thời bắt chuyện với các đồng môn. Ngoài ra, trường cũng có nhiều hội thảo nghề nghiệp hay ho, nhờ đó mình có cơ hội kết nối và học hỏi nhiều điều bổ ích từ các cựu sinh viên tài năng.
Nói về ĐH Queensland, mình nhất định phải flex về thứ hạng của trường – top 50 trong bảng xếp hạng ĐH tốt nhất thế giới năm 2024 của QS. Mình cực kỳ vinh dự và tự hào khi trở thành sinh viên của trường. Ở đây có rất nhiều bạn giỏi. Học tập trong môi trường cạnh tranh và đẳng cấp, mình luôn phải cố gắng hết sức để đạt được thành tích tốt nhất. Bên cạnh đó, sinh viên ĐH Queensland hoạt động câu lạc bộ, đội, nhóm quá trời sôi nổi. Do vậy, mình thấy đây chính là ngôi trường lý tưởng để phát triển chuyên môn và trải nghiệm đời sống sinh viên.
NHỮNG NGƯỜI BẠN QUÝ TẠI XỨ SỞ CHUỘT TÚI
Theo học ở ĐH Queensland, mình làm quen với nhiều bạn bè quốc tế, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, rồi có cơ duyên tham gia Hội Sinh viên Việt Nam tại Bang Queensland (AVSQ). Hành trình du học tại xứ sở chuột túi đáng nhớ hơn bao giờ hết nhờ sự xuất hiện của AVSQ. Bật mí là tụi mình đang thực hiện một chuỗi dự án mang tên Future Queenslanders, nhằm giúp đỡ các sinh viên Việt Nam chân ướt chân ráo sang thành phố Brisbane. Mỗi lần mình cần giúp đỡ, chỉ cần alo một cái, mọi người có mặt liền luôn. AVSQ giống như gia đình thứ hai của mình ở Úc vậy, hehe.
Trong khi đó, các bạn quốc tế tại ĐH Queensland lúc nào cũng sẵn sàng chia sẻ phương pháp học tập hiệu quả cũng như góp ý kỹ lưỡng để mình viết báo cáo pro hơn.
Khoảng thời gian du học vừa qua thật sự giúp mình trưởng thành hơn rất nhiều bởi bên cạnh việc học, mình phải tự lo tất tần tật, từ nấu ăn, dọn dẹp tới mướn nhà. Nhiều lúc nhớ nhà lắm chứ. Tất nhiên ba mẹ luôn bên cạnh động viên, ủng hộ nên mình vẫn bền bỉ tiến về phía trước. Ngoài giờ lên lớp, mình thường tất bật cùng AVSQ chạy đủ thứ sự kiện hoặc thong thả chơi bóng rổ để giải trí và rèn luyện sức khỏe.
Bài: XUÂN MAI – Hình: TRÍ NHÂN
—–
(*) Professional Engineering là môn học duy nhất thay thế bài thi cuối kỳ bằng một dự án nhóm. Chủ đề đợt mình học là thiết kế xe cứu hỏa, yêu cầu sinh viên phối hợp với nhau ở tất cả các khâu từ giai đoạn lên ý tưởng cho tới hoàn thành mô hình. Xuyên suốt quá trình học, nhóm mình thường xuyên tranh luận gay gắt và chạy deadline tối tăm mặt mày. Từ đây, mình có thêm nhiều người bạn nước ngoài thân thiết. Ngoài ra, những giờ học lý thú cũng cho mình góc nhìn thiết thực hơn về cách làm việc trong một công ty chuyên nghiệp.