Ngành Kiến trúc: Trường ĐH Bách khoa tiên phong đổi mới mô hình tuyển sinh và đào tạo

Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) là một trong những đại học dẫn đầu về đào tạo nguồn nhân lực giỏi chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ. Năm 2021, nhà trường tiếp tục tiên phong tuyển sinh chương trình Chất lượng cao ngành Kiến trúc và tiếp tục duy trì mô hình tuyển sinh của năm 2020 đối với ngành này: xét tuyển thí sinh theo tổ hợp môn và thí sinh không cần thi môn Năng khiếu vẽ.

Bài viết liên quan
 Kiến trúc – kiến tạo không gian xanh bền vững
▶ Kiến trúc Bách khoa có gì khác biệt?
▶ Kiến trúc Bách khoa: 5 lý do không thể khước từ lựa chọn

THÍ SINH KHÔNG THI MÔN NĂNG KHIẾU VẼ

Từ năm 2020, Trường Đại học Bách khoa đã mạnh dạn không xét điểm đầu vào môn Năng khiếu vẽ đối với các thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào ngành Kiến trúc. Thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo tổ hợp môn A01, C01. Sau khi trúng tuyển, thí sinh sẽ thi đầu vào môn Năng khiếu vẽ và được xếp lớp phù hợp với trình độ.

Để đảm bảo chất lượng đào tạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người học, nhà trường đã tham khảo mô hình tuyển sinh ngành Kiến trúc của các đại học đối tác nước ngoài, cũng như các đại học hàng đầu về Kiến trúc trên thế giới. Những trường này không tổ chức kỳ thi vẽ để tuyển sinh. Thay vào đó, họ yêu cầu thí sinh gửi hồ sơ năng lực (portfolio) thể hiện khả năng, năng khiếu vẽ mình.

Hồ sơ năng lực cũng không phải là yếu tố quyết định việc thí sinh có được xét trúng tuyển vào trường hay không. Trên thực tế, tài liệu này chỉ mang tính chất tham khảo, giúp nhà trường chọn ra những thí sinh phù hợp, có lòng đam mê và nhiệt huyết với ngành. Các đại học nước ngoài vẫn dựa trên năng lực học tập của thí sinh ở bậc THPT để xét tuyển, tùy theo từng quốc gia, khu vực mà có quy định riêng, và hồ sơ năng lực được liệt kê sau cùng trong danh mục hồ sơ cần nộp.

Hơn nữa, việc không xét điểm đầu vào môn Năng khiếu vẽ sẽ tạo cơ hội công bằng cho tất cả thí sinh vì môn học này không nằm trong chương trình THPT. Sau khi trúng tuyển, thí sinh sẽ được học vẽ, thực hành rèn luyện các kỹ năng trở thành kiến trúc sư trong suốt quá trình học tập. Sinh viên sẽ có nhiều cơ hội để học hỏi và thử thách khả năng qua rất nhiều bài tập lớn nhỏ. Sinh viên sẽ học ký hoạ tay đến vẽ trên máy tính, từ làm mô hình bìa giấy đến mô phỏng 3D trên không gian ảo. Mọi bài tập đều đến hướng đến sự thuần thục cho sinh viên Kiến trúc.

Không thi môn Năng khiếu vẽ và đào tạo bằng 100% tiếng Anh là hai điểm mới của CT CLC ngành Kiến trúc BK.

Trùng hợp hơn nữa, trong hai năm qua, khi dịch COVID-19 tác động và ảnh hưởng sâu rộng đến công tác tổ chức thi THPT nói chung và các kỳ thi năng khiếu, đánh giá năng lực nói riêng, việc không xét tuyển thêm môn Năng khiếu vẽ sẽ giúp thí sinh được xét tuyển nhanh chóng và nhập học trong thời gian sớm nhất, từ đó tiết kiệm thời gian để bước vào quá trình đào tạo kỹ năng, tích lũy kiến thức chuyên ngành. Trong khi đó, nhiều trường đại học gặp phải khó khăn trong quá trình tổ chức kỳ thi vẽ để tuyển sinh và đang đề xuất thay đổi đề án tuyển sinh (không tổ chức thi môn vẽ) với Bộ Giáo dục & Đào tạo.

CHƯƠNG TRÌNH 100% TIẾNG ANH
Tiếp nối điểm mới trong công tác tuyển sinh, năm 2021, Trường Đại học Bách khoa tiếp tục tiên phong tuyển sinh chương trình Chất lượng cao ngành Kiến trúc, ngôn ngữ giảng dạy và thi hoàn toàn bằng tiếng Anh *. Số lượng tín chỉ và nội dung môn học được nghiên cứu thiết kế theo hướng tương đương với các trường trong khu vực, cũng như có sự tham khảo, điều chỉnh từ chương trình đào tạo tương ứng của các đại học uy tín thế giới. (* Các môn Chính trị giảng dạy bằng tiếng Việt).

Nhận thấy tầm quan trọng của ngoại ngữ trong quá trình học tập và làm việc sau này của sinh viên, Trường Đại học Bách khoa đã chú trọng đào tạo tiếng Anh chuyên ngành cho sinh viên ngay từ năm Nhất. Do đó, bên cạnh khả năng giao tiếp lưu loát, sinh viên có thể dễ dàng đọc hiểu tài liệu chuyên ngành, tìm kiếm học bổng và du học nước ngoài.

Đặc biệt, không chỉ được giảng dạy bởi đội ngũ giảng viên tận tâm, giàu kinh nghiệm của Bách khoa, sinh viên ngành Kiến trúc chương trình Chất lượng cao còn thường xuyên học cùng nhiều giáo sư, kiến trúc sư hàng đầu từ đại học đối tác quốc tế. Từ đây, sinh viên luôn cập nhật xu hướng kiến trúc hiện đại, nâng cao trình độ, năng lực và dễ dàng hòa nhập văn hóa đa quốc gia sau khi tốt nghiệp.

CHƯA TỪNG ĐƯỢC HỌC MÔN VẼ ĐẦU TƯỢNG, BẠN CÓ TỰ TIN MÌNH PHÙ HỢP VỚI NGÀNH KIẾN TRÚC?

Kiến trúc là sự phối hợp hài hòa giữa nghệ thuật và kỹ thuật. Kiến trúc sư phải đề cao tính thẩm mỹ, kỹ thuật, an toàn, khả năng ứng dụng trong thực tế và đường nét của công trình. Nếu bạn có được một trong các tố chất sau, hãy cân nhắc theo đuổi ngành học nhiều đất diễn này.

Thứ nhất, bạn học tốt Toán, Lý. Với ngành Kiến trúc, bạn cần am hiểu những thông số kỹ thuật trong công trình xây dựng, sản phẩm thiết kế hay đơn giản là đo đạc và hiểu được chất liệu phù hợp. Vậy Toán và Lý là hai môn học cơ bản cho biết bạn có phù hợp với ngành này hay không. Đây cũng là thước đo đầu vào để xét trúng tuyển. Việc học tốt hai môn Toán, Lý chứng tỏ bạn có một tư duy nhạy bén và đủ khả năng hệ thống được các tiêu chí giúp công trình đạt hiệu quả tối ưu.

Thứ hai, bạn phải có gu thẩm mỹ. Bên cạnh các thông số kỹ thuật, độ bền, an toàn thì sản phẩm dưới bàn tay của kiến trúc sư phải thu hút, đẹp mắt. Vẻ đẹp được nhắc đến không phải là vẻ đẹp đơn lẻ mà cần hài hòa với mỹ quan đô thị. Vậy nên, mỗi người học luôn phải trau dồi gu thẩm mỹ của mình. Tuy nhiên, gu thẩm mỹ không hẳn là năng khiếu. Tất cả đều cần luyện tập đúng cách, nghiêm túc và đầy nhẫn nại.

Thứ ba, thí sinh là người sáng tạo không ngừng. Để thành công trong sự nghiệp kiến trúc, bạn cần liên tục học hỏi, suy nghĩ và đưa ra hàng loạt ý tưởng mới mẻ. Thật không quá khó để xác định bản thân có sáng tạo hay không. Cách bạn học tập, làm bài hay sắp xếp mọi thứ xung quanh sẽ cho bạn biết điều này.

Nếu cảm thấy bản thân hội tụ đủ ba yếu tố trên, thí sinh hãy tự tin với ý định xét tuyển vào ngành Kiến trúc nhé!


TRÂM LÊ

Bài viết liên quan
Kiến trúc Bách khoa: 5 lý do không thể khước từ lựa chọn
Kiến trúc Bách khoa có gì đặc biệt?
Kiến trúc – Kiến tạo không gian xanh bền vững

Bài trước

Bài tiếp