Tư vấn tuyển sinh: (028) 7300.4183/ 7301.4183 – 03.9798.9798 tuvan@oisp.edu.vn
Select Page

PGS. TS. Nguyễn Đình Quân: Tôi chỉ là một kỹ sư tiền bối

Nhiệt huyết hướng dẫn học trò nghiên cứu khoa học, đồng thời được sinh viên tiếp thêm nguồn hứng khởi mỗi ngày, PGS. TS. Nguyễn Đình Quân luôn biết ơn và tự hào vì là một giảng viên của mái trường Bách khoa.

PGS. TS. NGUYỄN ĐÌNH QUÂN
  • Cựu sinh viên Bách khoa K96 ngành Kỹ thuật Hóa học
  • Chủ nhân giải thưởng “Nghiên cứu sinh xuất sắc” và “Nghiên cứu sinh quốc tế có thành tích xuất sắc” của Viện Khoa học Kỹ thuật Hàn Quốc năm 2008
  • Tốt nghiệp tiến sỹ tại Viện Khoa học Kỹ thuật Hàn Quốc năm 2008
  • Từng nghiên cứu, giảng dạy ngành Kỹ thuật Hóa học ở ĐH Kyung Hee (Hàn Quốc) (2009-2011)
  • Hiện là giảng viên Bộ môn Quá trình & Thiết bị, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) kiêm Trưởng Phòng Thí nghiệm Nhiên liệu Sinh học & Biomass
  • Hướng nghiên cứu chính: chuyển hóa sinh khối thành vật liệu có giá trị, nhiên liệu/ năng lượng tái tạo
  • Hướng dẫn sinh viên giành chiến thắng tại cuộc thi Tech Planter châu Á 2020, Asian Entrepreneur Award 2021, Bach khoa Innovation 2021, iSpark International Pitching 2021, Sinh viên với Quyền sở hữu trí tuệ 2021, Dự án Kỹ thuật Phục vụ cộng đồng 2021, Sáng tạo Khoa học VNExpress 2022 cùng nhiều sân chơi khác
  • Một số dự án tiêu biểu: chống hàng giả bằng blockchain (lĩnh vực công nghệ thông tin), biến bùn thải thành vật liệu siêu bền, sản xuất giấy từ vỏ sò (lĩnh vực kỹ thuật vật liệu), màng bọc thực phẩm ăn được Edifilm (lĩnh vực kỹ thuật hóa học), nghiên cứu trà giải lo âu Assamica (lĩnh vực công nghệ thực phẩm)…

TRỞ THÀNH GIẢNG VIÊN ĐỂ TỰ DO SỐNG TRỌN ĐAM MÊ

Thuở nhỏ, tôi may mắn gặp được thầy Hoàng Minh Nam (giảng viên Bộ môn Quá trình & Thiết bị, Khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường ĐH Bách khoa, bạn của ba mẹ tôi). Hồi xưa, tôi là một cậu bé tò mò và có nhiều ý tưởng, tới nỗi người lớn trong nhà không thể giải thích hết thắc mắc của tôi. 

Khi thầy Nam qua chơi, ba tôi giới thiệu: “Chú Nam là giảng viên Trường ĐH Bách khoa. Con không hiểu gì về khoa học thì cứ hỏi chú nhé. Bách khoa là giỏi nhất đấy!” Tôi nhớ mãi buổi nói chuyện hôm ấy. Ước mơ trở thành kỹ sư Bách khoa của tôi hình thành từ đó. Rồi nhiều năm trôi qua, tôi vinh dự trở thành giảng viên của ngôi trường này, hàng ngày truyền thụ kiến thức cho thế hệ trẻ.

PGS. TS. Nguyễn Đình Quân: Tôi chỉ là một kỹ sư tiền bối
PGS. TS. Nguyễn Đình Quân (bìa phải) chụp cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (thứ ba từ phải qua) vào năm 2008.
PGS. TS. Nguyễn Đình Quân: Tôi chỉ là một kỹ sư tiền bối
PGS. TS. Quân (trái) và ông Hiroshi Matsubara (phải, Tổng Giám đốc nhà máy giấy Kraft of Asia, Nhật Bản) trong dự án hợp tác chuyển hóa bùn giấy thành cellulose vi khuẩn để sản xuất giấy cao cấp (đề tài có sự tham gia tích cực của sinh viên Bách khoa Quốc tế).

Tôi gắn bó với nghề giáo vì nhận thấy bản thân có thể tự do sống với đam mê sáng tạo và nghiên cứu khoa học. Mình được chủ động hơn về mặt thời gian. Nhất là luôn sống trong bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, bởi xung quanh toàn các đồng nghiệp giỏi giang và những sinh viên thông minh, chăm chỉ, giàu ý chí vươn lên. Tôi tự hào là một giảng viên Bách khoa.

Nhiều người cho rằng gánh nặng cơm áo gạo tiền sẽ khiến những giấc mơ thui chột theo thời gian. Quả thật, ít có giảng viên đại học nào giàu có. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo nhà trường, hiện tại, thu nhập của giảng viên ngày càng tốt hơn. Có lẽ vì vậy, khả năng sáng tạo của tôi và nhóm nghiên cứu phát huy đáng kể trong mấy năm nay. Hơn thế nữa, với tôi, từ lâu, Bách khoa là nhà. Không ai muốn bỏ nhà đi tới chỗ khác chỉ vì kiếm tiền, trong khi cuộc sống ở nhà đang rất tuyệt vời.

Bài viết liên quan
Nữ giảng viên BK tạo cú “hit” sciencebiz với vật liệu tự lành
Sản xuất bê tông in 3D ưu việt: nhóm giảng viên Bách khoa công bố bài báo quốc tế

ĐƯỢC KHƠI BÙNG HỨNG KHỞI KHI HƯỚNG DẪN SINH VIÊN

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất là mùa Hè năm 2019, tôi tình cờ gặp nhóm sinh viên K2017 chương trình Chất lượng cao ngành Công nghệ Thực phẩm (bao gồm Nguyễn Long Hoàng, Nguyễn Hoàng Phong, Lê Thảo Hiền, Nguyễn Thị Minh Anh và Võ Nguyễn Anh Kiệt) ở canteen C6. Mấy thầy trò vừa ăn trưa vừa trao đổi chuyện học hành. Các em bày tỏ niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Trong đó, Long Hoàng nhờ tôi góp ý đề tài chiết xuất cây lục lạc lá ổi dài làm trà an thần

Đáp lại lòng nhiệt huyết và tinh thần cầu thị của nhóm, tôi đã chia sẻ một số ý tưởng nghiên cứu và khuyến khích các em tham gia cuộc thi Bach khoa Innovation 2020. Thời gian làm việc cùng các em cực kỳ thú vị. Thầy trò chúng tôi rất có duyên với nhau. Khởi đầu từ thành công nho nhỏ (giải Ba tại Bach khoa Innovation 2020), nhóm Long Hoàng đã xuất sắc trở thành Quán quân Bach khoa Innovation 2021. Cũng chính các em đã cùng tôi “chinh chiến” ở các đấu trường quốc tế.

PGS. TS. Quân (giữa, hàng đầu) và nhóm Biomass Lab, bao gồm Long Hoàng (bìa trái, hàng đầu), Hoàng Phong (bìa phải, hàng đầu), Minh Anh (bìa trái, hàng sau), Anh Kiệt (thứ hai từ trái qua, hàng sau) và hai sinh K2018 chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Hóa học

Thật ra, tôi không quan niệm bản thân là “thầy” và sinh viên là “trò”. Bởi trong thời đại bùng nổ thông tin, khái niệm “thầy” trong vai trò giảng viên đại học chỉ mang tính tương đối. Mạng internet phát triển rộng khắp. Hầu như mọi câu trả lời đều có sẵn. Kho tàng kiến thức vô cùng mênh mông, phong phú. Trong khi hiểu biết của một giảng viên như tôi chỉ như hạt cát trong sa mạc. Tôi cho rằng mình chỉ là một kỹ sư tiền bối, có trách nhiệm chia sẻ kinh nghiệm và truyền lửa cho thế hệ sau. 

Bên cạnh việc học tập và nghiên cứu, một số em sẵn sàng trải lòng với tôi những chiêm nghiệm về tuổi trẻ, tình yêu, gia đình và sự nghiệp.

Long Hoàng, chàng sinh viên đặc biệt của tôi năm nào, nay đã tốt nghiệp và đang làm việc cho một công ty lớn của nước ngoài. Hoàng vẫn giữ liên lạc và đều đặn thăm hỏi tôi. Chúng tôi đang cùng nhau ấp ủ một dự án kinh doanh công nghệ một cách nghiêm túc. 

Người ta hay nghĩ thầy cô là người truyền cảm hứng cho sinh viên. Nhưng ít ai biết rằng, sự nồng nhiệt tuổi trẻ, thái độ lễ phép cùng tinh thần cầu tiến của các em chính là chất xúc tác đặc biệt, giúp tôi tìm thấy niềm vui bất tận khi đồng hành cùng các em.

Bài viết liên quan
PGS. TS. Vũ Ngọc Ánh và những chiếc máy bay không người lái
Cha đẻ của thiết bị bán dẫn công suất thấp

TẠO NÊN CÚ HIT NHỜ TƯ DUY ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Trải qua hơn 20 năm làm nghiên cứu, tôi tâm đắc nhất với những đề tài về năng lượng tái tạo và lưu trữ năng lượng. Đó sẽ là mầm ươm cho một dự án tham vọng của tôi trong tương lai gần. 

Còn dự án tôi có duyên nhất chắc là Deep Signature [1]. Cơ duyên bắt nguồn từ khao khát tạo ra sản phẩm thực tế cũng như gầy dựng một thương hiệu có giá trị nhằm đóng góp vào nền kinh tế. Điều thú vị và kỳ diệu nằm ở chỗ tôi không có chuyên môn về công nghệ thông tin, thậm chí không có nhiều kiến thức mảng này. Thế nhưng, công nghệ thông tin giúp tôi biến sáng kiến của mình thành hiện thực. 

Để khởi động dự án, tôi đã xây dựng một đội nhóm ăn ý tới từ nhiều quốc gia khác nhau. Thời gian qua, chúng tôi chỉ họp trực tuyến qua Zoom mà chưa từng gặp mặt trực tiếp. Tôi có chút tự hào khi các cộng sự đến từ những đất nước tiên tiến như: Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc. Và tôi là người Việt Nam. Phải chăng, đây chính là minh họa nho nhỏ cho câu chuyện người Việt hoàn toàn có thể hòa nhập và sánh vai với các cường quốc năm châu. Hơn nữa, là một người thầy truyền thụ kiến thức cho sinh viên và cổ vũ các em dấn thân trong lĩnh vực sản xuất, nếu tôi không chứng minh bằng hành động của mình thì quả thật không thuyết phục cho lắm. 

Sắp tới, sau khi thử nghiệm dự án Deep Signature trên quy mô nhỏ, chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ cho nhiều doanh nghiệp, kết hợp gọi vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, Deep Signature cũng mong muốn hợp tác với Trường ĐH Bách khoa để triển khai hệ thống cấp văn bằng nhờ blockchain [2]. Hình thức này giúp tiết kiệm chi phí tối đa trong công tác quản lý dữ liệu, đồng thời đảm bảo độ xác thực và bảo mật tuyệt đối. Nếu kế hoạch này được thực hiện, nhà trường sẽ trở thành đơn vị giáo dục đầu tiên trên thế giới vận hành công nghệ “bằng cấp phi tập trung trên blockchain”. Hiện chúng tôi đã sẵn sàng để biến ấp ủ này thành hiện thực.

Bên cạnh đó, tôi cũng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu của Phòng Thí nghiệm Nhiên liệu Sinh học & Biomass. Dự kiến, chúng tôi sẽ xuất bản một số bài báo quốc tế về lĩnh vực sinh khối (sở trường của phòng thí nghiệm). Ngoài ra, tuy khá bận rộn nhưng năm nay, tôi sẽ hướng dẫn vài nhóm sinh viên và học sinh THPT tham gia cuộc thi Bach khoa Innovation 2022, Tech Planter Việt Nam 2022. Hiện tất cả các nhóm đều đã vượt qua Vòng loại và đang tranh tài ở Vòng Bán kết. 

Đôi lời nhắn nhủ tới sinh viên Bách khoa, các em đang học tập tại một trong những đại học kỹ thuật hàng đầu đất nước. Mà kỹ thuật chính là con đường dẫn lối xã hội sản xuất của cải vật chất và tạo ra giá trị kinh tế. Đó là con đường bền vững nhất, vinh quang nhất của nhân loại. Nghiên cứu khoa học nhất định phải định hướng ứng dụng thực tế. Đây chính là tinh thần của Trường ĐH Bách khoa.

Bài: PGS. TS. NGUYỄN ĐÌNH QUÂN – Đồ họa: QUỐC HUY


[1] Deep Signature hệ thống phần mềm sử dụng công nghệ blockchain giúp nhà sản xuất kích hoạt mã ID đại diện duy nhất cho sản phẩm, nhờ đó phòng chống hành vi làm giả hàng hóa. Dự án thu hút sự tham gia của các chuyên gia Việt Nam, Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc cùng sáu sinh viên Bách khoa Quốc tế ngành Kỹ thuật Hóa học, Kỹ thuật Máy tính, Quản lý Tài nguyên & Môi trường. Deep Signature đã được đăng ký độc quyền sáng chế tại Mỹ và vừa giành giải Ba cuộc thi Sáng kiến khoa học 2022 do báo VnExpress tổ chức.

[2] Blockchain (hay cuốn sổ cái) là hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép lưu trữ và truyền tải các khối thông tin (block) được liên kết với nhau nhờ mã hóa.

Bài trước

Bài tiếp