Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

“Cán đích” JLPT N1 với chương trình Tăng cường tiếng Nhật

Chương trình Tăng cường tiếng Nhật (TCTN) – Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) được thiết kế theo mô hình bán du học 2,5+2, có lộ trình đào tạo tiếng Nhật phù hợp giúp SV dễ dàng chinh phục JLPT N1.

Bài viết liên quan
Lộ trình chinh phục tiếng Nhật chương trình CLC Tăng cường tiếng Nhật
Nhật Bản mở đường thu hút kỹ sư Việt
Ngành bán dẫn vực dậy, Nhật đẩy mạnh tìm kiếm kỹ sư điện – điện tử
Giải mã sức hút của nghề kỹ sư điện – điện tử tại Nhật

THẦN TỐC ĐẠT JLPT N2 TỪ CẤP ĐỘ VỠ LÒNG CHỈ TRONG 2,5 NĂM

Khác với nhóm chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh (Chất lượng cao, Tiên tiến, Chuyển tiếp Quốc tế) đòi hỏi SV phải đạt chuẩn tiếng Anh sơ tuyển ngay từ đầu vào, ưu điểm của chương trình TCTN là tiếp nhận đào tạo tiếng Nhật cho SV từ vỡ lòng.

Lộ trình học tiếng Nhật của chương trình trải dài từ học kỳ Hai đến học kỳ Năm, bao gồm cả hai học kỳ hè của năm Nhất và năm Hai để đảm bảo SV đạt trình độ tương đương JLPT N2 tại thời điểm chuyển tiếp qua Nhật. SV sẽ tham gia các lớp học tiếng Nhật vào năm buổi tối trong tuần với thời lượng hai tiếng mỗi buổi.

SV chương trình TCTN tham gia các lớp học tiếng Nhật và văn hóa Nhật
SV chương trình TCTN tham gia các lớp học tiếng Nhật và văn hóa Nhật.

Xét trong phạm vi ngôn ngữ Nhật, chương trình TCTN và “người anh em” Chất lượng cao Tăng cường Tiếng Nhật (CLC-TCTN) giống nhau ở trình độ tiếng Nhật khởi điểm và mục tiêu đầu ra cùng là JLPT N2. Điểm khác nhau là lộ trình đào tạo: nếu như CLC-TCTN đào tạo tiếng Nhật dàn trải suốt bốn năm và được bố trí vào giờ học ban ngày (sáng, chiều) thì TCTN đào tạo tập trung trong hai năm rưỡi và được bố trí vào buổi tối.

  • Từ học kỳ Hai tới nửa đầu học kỳ Bốn (bao gồm học kỳ Hè): Sơ cấp (N5, N4)

Trong ba học kỳ rưỡi đầu (bao gồm cả học kỳ Hè năm Nhất), sinh viên có thể hoàn thành trình độ Sơ cấp. Thiết kế các tiết học trong giai đoạn này tương đối dễ thở để SV làm quen với ngôn ngữ mới và cân đối việc học các môn chuyên ngành. 

Giáo trình chính được sử dụng là Minna no Nihongo (NXB Trẻ). Song song đó, chương trình cũng bổ sung giáo trình Practical Kanji (First News – Trí Việt) chuyên hỗ trợ Hán tự và Shokyu Nihongo Bunpo Somatome Point 20 (NXB Trẻ) tổng hợp các mẫu ngữ pháp cơ bản, trau dồi cho SV kỹ năng đọc hiểu sách báo và các tài liệu tiếng Nhật đơn giản.

  • Từ nửa sau học kỳ Bốn tới học kỳ Năm (bao gồm học kỳ Hè): Trung cấp (N3, N2)

Ở hai học kỳ rưỡi tiếp theo (bao gồm cả học kỳ Hè năm Hai), SV sẽ chinh phục trình độ Trung cấp. Giáo trình chính ở các học kỳ này là những đầu sách quen thuộc được nhiều trường đào tạo tiếng Nhật ở Nhật sử dụng gồm Chukyu e Iko, Chukyu wo Manabo (3A Corporation), Kanji Ryugakusei no Nihongo (ALC). Xen kẽ đó là những buổi học luyện thi JLPT cho SV với giáo trình Try! – N3 (NXB ĐH Sư Phạm TP.HCM). Qua đó SV có thể tự tin dự thi JLPT để “lót đường” chuyển tiếp sang Nhật.

Tham khảo các cấp độ tiếng Nhật tại đây.

LỚP HỌC TIẾNG NHẬT CHUYÊN NGÀNH VÀ LUYỆN THI LƯU HỌC SINH NHẬT BẢN (EJU)

SV chương trình TCTN chuyển tiếp qua NUT.
SV chương trình TCTN chuyển tiếp qua NUT.

Ngoài tiếng Nhật cơ bản, mỗi năm hai lần SV chương trình TCTN còn được tham gia lớp học tiếng Nhật chuyên sâu về Kỹ thuật Điện, Điện tử và Thông tin. Sẽ có hai giảng viên của Nagaoka University of Technology (NUT) thay phiên đứng lớp trong bốn buổi/học kỳ với thời lượng bốn tiếng/buổi, nhằm trang bị cho SV kiến thức nền tảng về chuyên ngành, cách viết báo cáo bằng tiếng Nhật… 

Ngoài ra, các từ vựng liên quan đến Toán – Lý – Hóa cũng sẽ được dạy xen kẽ để phục vụ cho lớp luyện thi EJU vào học kỳ Năm. EJU là kỳ thi không thể thiếu để đánh giá năng lực tiếng Nhật và trình độ kiến thức cơ bản về Toán, Khoa học Tự nhiên (Lý – Hóa – Sinh) và Khoa học Xã hội của những thí sinh nước ngoài có nguyện vọng học tại các ĐH Nhật. Theo quy định, SV chương trình TCTN sẽ dự thi EJU vào cuối học kỳ Năm (tháng Mười Hai). Kết quả thi là một phần điều kiện để xem xét cho SV chuyển tiếp qua NUT.

CHUYỂN TIẾP DU HỌC TẠI TRƯỜNG ĐH CÔNG NGHỆ NAGAOKA

Sau năm học kỳ đầu, dựa trên thành tích học chuyên ngành và tiếng Nhật tại Trường ĐH Bách khoa, kết quả thi EJU và thi phỏng vấn, những SV đạt yêu cầu sẽ làm thủ tục nhập học tại NUT vào học kỳ Sáu (tháng Tư). Giai đoạn từ tháng Chín đến tháng Mười Một, SV được phân lab nghiên cứu theo một trong ba chuyên ngành là Năng lượng, Thiết bị Quang sóng Điện tử hoặc Công nghệ Thông tin để học cùng SV bản xứ. Việc được cọ xát với giảng viên và bạn bè trên lớp sẽ giúp các em trau dồi kỹ năng tiếng Nhật thành thục và có thể đạt đến trình độ JLPT N1 khi ra trường. 

Tăng cường Tiếng Nhật là chương trình đào tạo hợp tác quốc tế giữa Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) với Nagaoka University of Technology (Nhật Bản), áp dụng cho ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử (mã trường: QSB, mã ngành: 108).

Thời gian đào tạo: 4,5 năm, gồm 9 học kỳ chính khóa, chia thành hai giai đoạn đào tạo
– 2,5 năm đầu (giai đoạn 1): Học tại Trường ĐH Bách khoa (Cơ sở Q.10) theo chương trình Đại trà (giảng dạy bằng tiếng Việt). Song song đó, sinh viên được đào tạo tiếng Nhật liên tục trong 5 học kỳ vào các buổi tối trong tuần, kể cả học kỳ Hè. Ở giai đoạn này, một số môn học chuyên môn có sự tham gia giảng dạy ngắn hạn (bằng tiếng Nhật) của các giáo sư từ Nagaoka University of Technology
– 2 năm cuối (giai đoạn 2): Chuyển tiếp sang ĐH đối tác Nhật và học tập cùng các giáo sư ĐH đối tác

Ngôn ngữ giảng dạy: Hoàn toàn bằng tiếng Nhật ở giai đoạn 2

Quy mô lớp học: Tối đa 20 SV/lớp

Bằng cấp: Do ĐH đối tác cấp

INAKO

Bài trước

Bài tiếp