Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Học vượt không khó nếu có chiến lược

Thái Tài, Nguyễn Trọng Chuẩn, Nguyễn Thế Bình và Phạm Thị Phương Minh là bốn sinh viên Bách khoa Quốc tế K2020 học vượt trong 3,5 năm và tốt nghiệp sớm với thành tích đáng nể.

Bài viết liên quan
Vượt vũ môn ĐGNL nhẹ tênh như “chiến thần” Bách khoa Quốc tế
Đậu Bách khoa suýt soát, vào trường thành SV tiêu biểu, tài năng
“Chạm mặt” 2 SV Bách khoa Quốc tế đạt “SV 5 Tốt” cấp Trung ương

Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) là ngôi trường đào tạo khối ngành kỹ thuật hàng đầu miền Nam. Bốn năm học hành gian khổ ở Bách khoa từ lâu đã đi vào truyền thuyết, sánh ngang nhóm ngành Y – Dược (“nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa”). Tốt nghiệp đúng hạn đã là chuyện khó, học vượt với điểm số trong mơ lại càng khó hơn. Vậy mà một số sinh viên Bách khoa Quốc tế lại nhẹ nhàng vượt qua cơn lũ deadline và thuận lợi tốt nghiệp sớm một học kỳ.

THÁI TÀI

  • K2020 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Khoa học Máy tính
  • Tốt nghiệp sớm (3.5 năm), xếp loại Xuất sắc, thủ khoa toàn trường đợt tốt nghiệp tháng 4/2024
  • GPA 9,38/10, IELTS 8.0
  • Lớp trưởng, bí thư lớp CC20KHM1
  • Sinh viên Bách khoa Quốc tế Xuất sắc Toàn diện năm 2020-2021
  • Giành 5/5 học bổng khuyến khích học tập, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học
  • Thực tập tại Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo VinAI

Thái Tài – sinh viên K2020 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Khoa học Máy tính, cho biết: “Mình nhận thấy đa số tiền bối học vượt đều rất thành công và có cơ hội thực tập tại các công ty lớn. Hơn nữa, học vượt sẽ là cơ hội tốt để mình tôi luyện bản thân trong môi trường nhiều áp lực, đồng thời trau dồi kỹ năng tự học và nâng cao khả năng quản lý thời gian.

Vậy là từ năm Hai, mình bắt đầu học tăng cường vài môn so với chương trình đào tạo gốc. Ở mỗi học kỳ, mình xếp lịch học 3-4 ngày/tuần và dành toàn bộ thời gian còn lại mày mò đọc thêm tài liệu chuyên ngành. Mình lên danh sách những việc cần làm vào đầu tuần, chia đều cho các ngày rồi tự tổng kết và cân đối, điều chỉnh.

Phương châm học tập của mình là tìm hiểu bản chất để nắm chắc, nhớ lâu. Mình chủ động xin thêm kinh nghiệm từ các anh chị, học nhóm, coi bài trước khi tới lớp, đặt câu hỏi cho thầy cô và xem lại sau mỗi buổi học.

Ở giai đoạn nước rút, mình chủ yếu ôn tập, hệ thống kiến thức và làm quen với đề thi.
Ngoài giờ lên lớp, mình hay chơi thể thao cùng bạn bè, phụ giúp gia đình và tham gia hoạt động ngoại khóa. Ngoài ra, mình cũng có nhiều sở thích khác và những kế hoạch riêng trong mùa Hè, khi rảnh hơn một chút”.

NGUYỄN THẾ BÌNH

  • K2020 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Máy tính
  • Tốt nghiệp sớm (3.5 năm), xếp loại Giỏi
  • GPA 8,59/10, IELTS 7.0, TOEIC 920, JLPT N5 127
  • Lớp phó học tập lớp CC20KTM1
  • Giải Nhất Ngày hội Poster đồ án tốt nghiệp Khoa Khoa học & Kỹ thuật Máy tính 2024
  • Học bổng Marvell Excellence Scholarship 2023
  • Học bổng Khuyến khích học tập năm học 2020-2021, 2021-2022, 2022-2023
  • Giải Nhóm có giải pháp hiệu quả nhất và Nhóm làm việc nhóm hiệu quả nhất cuộc thi Dự án Đổi mới Sáng tạo Kỹ thuật eProjects 2022
  • Giải Nhất cuộc thi lập trình Makerthon 2021
  • Giải Nhì Hội nghị Khoa học & Công nghệ Sinh viên Bách khoa Quốc tế lần VIII
  • Sinh viên Tiêu biểu Khoa học & Kỹ thuật Máy tính năm học 2021-2022
  • “Sinh viên 5 tốt” cấp Liên chi hội năm học 2020-2021
  • Trình bày bài báo khoa học tại Hội nghị Quốc tế Công nghệ Truyền thông và Điện toán IEEE-RIVF 2023

“Đối với mình, việc học đại học vừa nhiệm vụ phải hoàn thành vừa là cơ hội để theo đuổi đam mê lập trình, nhất là về mảng kỹ thuật phần cứng.

Hồi năm Nhất, mình hơi bỡ ngỡ khi bước vào ngôi trường kỹ thuật hàng đầu miền Nam nên gặp nhiều khó khăn, chưa thích nghi với cuộc sống sinh viên và không thể phân chia thời gian hợp lý. Kết quả là mình chỉ được năm điểm giữa kỳ môn cơ sở ngành còn dự án cộng đồng phải dừng lại ở “vòng gởi xe” OISP Presentation Contest 2020.

Rút kinh nghiệm “xương máu”, mình bắt đầu thay đổi chiến lược – áp dụng kiến thức đã học vô từng dự án cá nhân. Điển hình là vào đợt COVID-19, mình phụ trách lập trình máy đo thân nhiệt và rửa tay tự động tích hợp IoT checkin Bách Khoa nhờ những hiểu biết nền tảng từ môn Kỹ thuật Lập trình và Cấu trúc Dữ liệu & Giải thuật. Chưa hết, các môn đại cương như Giải tích và Đại số Tuyến tính cũng hỗ trợ mình rất nhiều suốt quá trình phát triển tính năng AI nhận diện khẩu trang. Vậy là kể cả lúc tham gia hoạt động ngoại khóa, mình vẫn thường xuyên ôn tập các môn trên lớp, đồng thời đạt kết quả tốt trong các kỳ thi.

Sang năm Ba, khi có dịp tiếp xúc với đồ án tốt nghiệp và thực tập tại Marvell Technology – một trong những tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới, dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy Phạm Quốc Cường cùng các mentor nhiệt huyết của công ty, mình nhận ra bản thân thực sự hứng thú với ngành công nghiệp bán dẫn và quyết định nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này. Đó cũng chính là lý do mình chủ động rút ngắn lộ trình, nỗ lực tốt nghiệp sớm để nhanh chóng tìm kiếm cơ hội học tiếp lên cao” – Nguyễn Thế Bình, sinh viên K2020 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Máy tính, tâm sự.

NGUYỄN TRỌNG CHUẨN

  • K2020 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Khoa học Máy tính
  • Tốt nghiệp sớm (3.5 năm), xếp loại Giỏi
  • GPA 8,15/10, IELTS 7.5

Nguyễn Trọng Chuẩn – sinh viên K2020 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Khoa học Máy tính, bày tỏ: “Năm đầu tiên, mình tìm hiểu nhiều mảng và tranh thủ nắm bắt kiến thức tổng quát của mỗi lĩnh vực. Ở giai đoạn học rộng này, mình tham khảo lộ trình từ các đàn anh trong ngành rồi nghiên cứu từng chủ đề trong đó. Sự tò mò thúc đẩy mình khám phá các lĩnh vực một cách say mê. Những năm tiếp theo, mình chuyên chú học sâu và dồn sức vô một số lĩnh vực quan trọng.

Với khối kiến thức nền tảng tích lũy trước đó, mình có thể đưa ra những lựa chọn phù hợp với bản thân. Cũng trong giai đoạn học sâu, lòng kiên trì đã giúp mình chinh phục thành công lĩnh vực bản thân theo đuổi. Nhìn lại chặng đường đại học của mình, mình nhận thấy tính tò mò đã giúp mình tìm ra được con đường mà mình muốn đi, còn tính kiên trì đã giúp mình đi thật xa trên con đường mà mình đã chọn”.

PHẠM THỊ PHƯƠNG MINH

  • K2020 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Hóa học
  • Tốt nghiệp sớm (3.5 năm), xếp loại Giỏi
  • GPA 8,14/10, IELTS 6.5
  • Giải Nhì cuộc thi Bach Khoa Innovation 2022
  • Giải Mitsui Chemicals cuộc thi Techplanter 2022
  • “Sinh viên 5 tốt” cấp Văn phòng Đào tạo Quốc tế năm học 2021-2022
  • Học bổng Khuyến khích học tập OISP năm học 2020-2021, 2021-2022, 2022-2023
  • Học bổng Nữ sinh Kỹ thuật Amcham 2023
  • Đồng tác giả ba bài báo quốc tế
  • Thực tập tại P&G (Việt Nam) và ĐH Thammasat (Thái Lan)

Phạm Thị Phương Minh, sinh viên K2020 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Kỹ thuật Hóa học, chia sẻ: “Có hai nguyên tắc mình ưu tiên hàng đầu để học nhanh, học nhiều mà vẫn đạt được kết quả như ý:

  1. Tạo niềm tin tích cực là bước đầu tiên giúp mình có một học kỳ hiệu quả. Niềm tin tích cực tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy mình hoàn thành mục tiêu. Trước mỗi học kỳ, mình liệt kê tất cả thành tích mong muốn ra cuốn sổ tay. Mỗi lần cảm thấy mất dần động lực, mình sẽ đọc lại danh sách và nhanh chóng xốc lại tinh thần.
  2. Mình luôn phân chia thời gian học tập, vui chơi, giải trí, chăm sóc người thân… Bởi thời gian vô cùng quý giá. Nó có thể cho bạn mọi thứ hoặc không đem tới bất kỳ điều chi. Bằng cách lên kế hoạch hàng ngày, mình có thể tận dụng thời gian một cách triệt để. Công thức của mình là:
  • Lập thời gian biểu rõ ràng: Mỗi sáng, mình dành ít phút lập sẵn to-do-list cho ngày mới. Điều này giúp mình lần lượt hoàn thành từng mục tiêu nhỏ rồi từ từ hiện thực hóa kế hoạch tương lai.
  • Sắp xếp công việc trong ngày dựa trên tính khẩn cấp và tầm quan trọng: Phân bổ thời gian hiệu quả căn cứ vào mức độ ưu tiên là bí quyết đảm bảo tiến độ cũng như hạn chế trì hoãn.
  • Tìm ra “khung giờ vàng” của bản thân: Với mình, buổi sáng là thời điểm bản thân tràn đầy năng lượng, đầu óc minh mẫn, tinh thần sảng khoái. Do đó, mình dành hết để học bài hoặc hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng. Những công việc không đòi hỏi quá nhiều sự tập trung, mình dồn về buổi chiều tối.
  • Hạn chế sử dụng điện thoại trong lúc làm việc, học tập
  • Sắp xếp góc làm việc sạch sẽ, thông thoáng”.

Tại Bách khoa Quốc tế, thật dễ dàng bắt gặp những gương mặt “con nhà người ta” toàn năng như thế. Liệu bạn có phải học bá tiếp theo được vinh danh trong buổi lễ tốt nghiệp long trọng và ấm cúng? Cùng học liền bốn bí kíp trên, cố gắng hết sức và tỏa sáng rực rỡ trong thời đại học độc nhất vô nhị nha!

Bài: XUÂN MAI – Hình: Nhân vật cung cấp

Bài trước

Bài tiếp