Bùi Đức Minh: Tới Đức học vi mạch, gom về vạn điều hay

Viết tiếp niềm đam mê vi mạch từ mái trường Bách khoa, chàng học bá Bùi Đức Minh đang hăm hở chinh phục tri thức bậc cao về lĩnh vực này tại ĐH Công nghệ Ilmenau (Đức).

Bài viết liên quan
Bùi Đức Minh: chủ động học hỏi và đồng hành với những “gã khổng lồ”
Tự sự của một con nghiện bug chân chính
Phạm Minh Ngọc Thảo: từ chối 4 ĐH lớn để về đội Bách khoa
Nguyễn Đào Anh Nhật: vô tình chạm ngõ Bách khoa nhờ “mối duyên bi hài”

Mình là Bùi Đức Minh (cựu sinh viên K2017 chương trình Tiên tiến ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử, chuyên ngành Điều khiển – Tự động hóa). Mình từng thực tập tại công ty Intel Products và làm kỹ sư thiết kế – thẩm định ở công ty Ampere Computing.

Hiện tại, mình đang học năm thứ Hai của chương trình thạc sỹ ngành Công nghệ Vi mạch tại ĐH Công nghệ Ilmenau(1), Đức. Trước đó, mình cũng trúng tuyển vào ĐH Tự do Brussel (Bỉ) và ĐH Ứng dụng Dortmund (Đức). Tuy nhiên, mình chọn ĐH Công nghệ Ilmenau làm điểm đến vì trường thuộc nhóm các ĐH công nghệ hàn lâm chuyên về vi mạch và tự động hóa hàng đầu nước Đức. Ngoài ra, Ilmenau còn là thành phố có mức sống dễ chịu, khá phù hợp với nhiều sinh viên Việt Nam.

Một góc ĐH Công nghệ Ilmenau, Đức. – Hình: ĐH Công nghệ Ilmenau

Mình lên kế hoạch du học từ năm lớp Mười Hai nhưng do điều kiện kinh tế nên phải gác ước mơ tới sau khi tốt nghiệp Bách khoa. Tận dụng bốn năm ĐH, mình luôn phấn đấu đạt kết quả học tập thật tốt, tích cực trau dồi tiếng Anh, xung phong tham gia nghiên cứu và chủ động tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. 

Ở Bách khoa Quốc tế, mình được tiếp xúc với những môn học thú vị, nắm bắt cơ hội việc làm hấp dẫn, đồng thời gặp gỡ nhiều bạn bè giỏi giang, năng động. Tất cả tạo thành vốn sống quý giá, giúp mình tự lập ở xứ người.

Nói về quá trình ứng tuyển thạc sỹ, mình nhận thấy việc nộp đơn vô các trường hạng cao của châu Âu chưa bao giờ dễ dàng. Không chỉ yêu cầu nghiêm ngặt về thành tích học tập, họ còn xem xét kỹ lưỡng trình độ ngoại ngữ, kinh nghiệm chuyên môn và nhiều yếu tố khác nữa. 

Lúc đầu, mình có bằng IELTS 6.0 khiêm tốn. Thế nhưng, nhờ nỗ lực rèn luyện, mình từng bước nâng cao band điểm, lên mức 7.5. Sau đó, mình tập trung thi lấy bằng GRE, đạt tổng 304/340. Đây là bài thi khó nhằn vì đòi hỏi khả năng tư duy ngôn ngữ, suy luận tính toán và viết luận phân tích. 

Ở ĐH Công nghệ Ilmenau, sinh viên liên tục được tiếp xúc với nhiều công nghệ tối tân, mang tính ứng dụng cao để phát huy tính chủ động đón đầu xu thế.

Trong môn Công nghệ Điện tử, tụi mình tận tay chạm vào mạch PCB(2), đồng thời dự liệu các trường hợp thực tế có thể xảy ra với từng đoạn mạch. Tại tiết Công nghệ Lắp ráp và Đóng gói Nâng cao, mình đã quan sát cách các hãng sản xuất chip lớn lắp ráp và đóng gói sản phẩm, từ đó phân tích và thiết kế sản phẩm của riêng mình.

Nhờ môn Vật liệu Vi mạch, mình tiếp cận nghiên cứu mới nhất, thuyết trình về nghiên cứu đó và trao đổi trực tiếp với các chuyên gia. Càng hiểu rõ quy trình sản xuất và phương pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, tụi mình càng định hướng tốt hơn về tương lai của ngành, nhất là phần kỹ thuật quang khắc(4).

Không chỉ dừng ở lý thuyết, trong môn Đúc chip Micro/ Nano, lớp mình còn được tự tay đúc ra những con chip mới bằng cách kết hợp nhiều kỹ thuật như: quang khắc, khắc bằng axit, khắc bằng bazo(5), khắc bằng plasma(6), phún xạ(7), công nghệ Physical Vapor Deposition (PVD)(8)… trên wafer n-doped Silicon hướng <100>(9).

Mình thích nhất môn Thiết bị Bán dẫn của thầy Martin Ziegler và môn Vật liệu Vi mạch của thầy Dong Wang. Phong cách giảng dạy của họ rất sinh động, dễ hiểu và có hệ thống. Được truyền cảm hứng từ đó, mình đã mạnh dạn dấn thân ở nhiều lĩnh vực thuộc mảng analog(10) , digital(11), fabrication(12) và packaging(13).

Đức Minh (bìa trái) tới lớp cùng thầy Martin Ziegler (chính giữa, đội nón len xám sọc trắng) và các đồng môn. – Hình: NVCC

Hành trình du học thạc sỹ của mình đâu chỉ gói gọn trong những giờ học chính khóa. Học phải đi đôi với hành. Mình chủ động tìm kiếm cơ hội làm việc từ sớm và đảm nhận vị trí Digital Logic Design tại Viện Vi Điện tử và Hệ thống Cơ Điện tử Erfurt(14) từ tháng 12/2022 tới cuối tháng 3/2023. Nhiệm vụ của mình là sử dụng Verilog(15) và những ngôn ngữ lập trình hỗ trợ để hoàn thành công việc.

Tháng Sáu năm ngoái, mình được cấp trên tin tưởng giới thiệu về công tác ở khoa với tư cách là trợ lý sinh viên vừa học vừa làm. Sau đó, mình tham gia nghiên cứu và thiết kế mạch cho hệ thống anten và vệ tinh mới của Đức trên Cadence(16). Ứng dụng tiềm năng nhất của phần mềm này là hỗ trợ xe hơi tự lái, vốn là lĩnh vực được nhiều tập đoàn lớn ráo riết chạy đua. Mercedes-Benz dự kiến triển khai trên mẫu EQS và S Class hay BMW sẽ tích hợp lên dòng 7 series vào năm nay. 

Rất nhiều phiên bản xe concept trước đó của họ đã ứng dụng hoặc đang cải tiến công nghệ này. Cụ thể mẫu taxi concept tự lái Smart Vision EQ fortwo của Mercedes-Benz (ra mắt lần đầu vào năm 2017) không hề có vô lăng hay cần số, hành khách chỉ cần ngồi thư giãn, giải trí và theo dõi hành trình.

Hiện nay, sau khi làm xong mảng Analog, mình tiếp tục triển khai yêu cầu xử lý thông tin/ tín hiệu với tốc độ cao trong phần tín hiệu kỹ thuật số của dự án. Trộm vía công việc đang tiến triển thuận lợi. Song song đó, mình vẫn duy trì kết quả học tập tốt với điểm trung bình tích lũy là 2.5 trên thang điểm Đức, tương đương 7.5 trên thang điểm Việt Nam. 

Điều quan trọng nhất là ngoài điểm số, mình luôn được tiếp cận với công nghệ tối tân hiếm nơi nào giảng dạy như: trí tuệ nhân tạo bằng phần cứng(17), bóng bán dẫn linh động điện tử cao(18), bóng bán dẫn đơn electron(19) hay kỹ thuật đóng gói chip 2.5D/3D(20), kỹ thuật tự lắp ráp (Self-assembly)(21)

Tất cả như một thế giới mới mẻ, vượt xa khỏi những kiến thức nền tảng mà mình từng học. Dù cảm thấy choáng ngợp một chút nhưng mình thực sự hào hứng vì được mở mang tầm mắt mỗi ngày.

Để đạt được thành quả bước đầu ngày hôm nay, mình cực kỳ trân trọng những kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy tại Việt Nam, từ mái trường Bách khoa, công ty Intel Products và công ty Ampere Computing. 

Nhớ nhất là những ngày miệt mài cày luận văn cùng cậu bạn thân Thới Mạnh Cường (cựu sinh viên K2017 chương trình Tiên tiến ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử), dưới sự dẫn dắt của TS. Trần Hoàng Linh (Chủ nhiệm Bộ môn Điện tử). Bên cạnh đó, người anh thân thiết, ThS. Trịnh Vũ Đăng Nguyên cũng đã đặt những nền móng đầu tiên cho sự nghiệp của mình. 

Hai bài báo khoa học mình hợp tác thực hiện với thầy Linh, anh Nguyên và người em kết nghĩa Đặng Tiểu Bình (cựu sinh viên K2018, chương trình Tiên tiến ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử) là Bộ nhớ CAM sử dụng nền tảng SDRAM được tham số hóa trên FPGAKiến trúc TCAM mới trên nền tảng SDRAM sử dụng thuật toán va chạm dữ liệu trên FPGA đã được lần lượt đăng tải trên Indonesian Journal of Electrical Engineering and Computer Science và Ain Shams Engineering Journal

Đức Minh (thứ hai từ trái qua) chụp chung với thầy Trần Hoàng Linh (bìa trái), bạn thân Thới Mạnh Cường (thứ ba từ trái qua), tiền bối Trịnh Vũ Đăng Nguyên (thứ tư từ trái qua) và người em kết nghĩa Đặng Tiểu Bình (bìa phải). – Hình: NVCC

Nhìn lại hành trình vừa qua, mình thực sự hy vọng rằng sắp tới Văn phòng Đào tạo Quốc tế nói riêng và Trường ĐH Bách khoa nói chung sẽ liên kết với các ĐH đối tác Đức để cùng nhau vươn xa trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ. 

Nếu như trước đây, mình từng rất buồn khi không thể theo học chương trình Chuyển tiếp Quốc tế qua các ĐH đối tác Úc, Mỹ, New Zealand vì điều kiện kinh tế thì hiện tại, du học Đức(22) chính là cánh cửa đầy triển vọng và dễ tiếp cận, tạo bước đệm vững chắc để mình cùng nhiều sinh viên Bách khoa khác chinh phục tri thức, gặt hái thành công.

Bài: BÙI ĐỨC MINH

CUỘC SỐNG DU HỌC MỚI LẠ, MUÔN MÀU
Mình đang sống tại thành phố Ilmenau, bang Thuringia. Cuộc sống ở Đức đem tới trải nghiệm khác nhau tùy vào từng khu vực. Là một thành phố nhỏ, Ilmenau có giá nhà, hàng hóa và dịch vụ rẻ hơn rất nhiều so với các thành phố lớn như Munich hay Berlin. Vài ấn tượng thú vị của mình về nước Đức:
– Tuy Ilmenau có cư dân tương đối thưa thớt nhưng thành phố lại sở hữu nhiều biệt thự trên triền đồi thơ mộng, những ngôi nhà truyền thống bên hồ với ánh đèn lấp lánh, các chung cư cao cấp sang trọng. Thậm chí còn thấp thoáng mấy tòa lâu đài cổ kính của những gia đình quý tộc.
– Trong văn hóa Đức, Chủ Nhật là khoảnh khắc linh thiêng để gia đình tề tựu, sum vầy. Do đó, mọi nhà hàng, cửa tiệm đều đóng cửa và đường phố trở nên vắng vẻ, thông thoáng hơn vào ngày này.
– Giáng sinh là kỳ nghỉ lớn nhất cả năm. Hòa mình giữa các gian hàng Weihnachtsmarkt lộng lẫy, nhâm nhi rượu vang ấm nóng và thưởng thức món ăn truyền thống đa dạng là những trải nghiệm nhất định không thể bỏ qua.
– Vào thời điểm giao mùa, bạn sẽ chứng kiến sự biến chuyển ngộ nghĩnh của thời tiết: sáng nắng, chiều mưa và trưa có tuyết. Đa số người Đức mình gặp thân thiện, nhiệt tình, lịch sự và khiêm tốn, trái ngược hoàn toàn so với tưởng tượng hồi còn ở Việt Nam.
– Điều đặc biệt nhất là sự phân cấp giữa các trường ĐH. Tất cả trường thuộc bậc ĐH Công nghệ Hàn lâm Đức đều có cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo gần như tương đương. Sự khác biệt dường như chỉ bắt nguồn từ việc các thành phố lớn nhộn nhịp hơn, mức sống cao hơn, nhiều người nói tiếng Anh hơn và sinh viên quốc tế dễ được các công ty lớn chú ý. 
Toàn bộ bài học được biên soạn theo mỗi học kỳ, đảm bảo cập nhật những tiến bộ mới nhất trong từng lĩnh vực. Phòng thí nghiệm trang bị đầy đủ máy móc hiện đại, được bảo trì thường xuyên, giám định kỹ lưỡng. Các trường ĐH liên kết với viện nghiên cứu để kịp thời nắm bắt xu thế công nghệ và tạo ra việc làm, giúp sinh viên kiếm thêm thu nhập.
Hằng năm, ĐH Công nghệ Ilmenau tổ chức Ngày hội Việc làm Inova nhằm kết nối sinh viên với nhà tuyển dụng, cũng như trưng bày sản phẩm nổi bật của từng đơn vị tham gia. Ngoài ra, trường mình còn chủ trì Đêm của Khoa học (Wissenschaftsnacht) – sự kiện giới thiệu những phát minh mới nhất của các giáo sư và sinh viên “nhà trồng”, thu hút nhiều cư dân đến tham quan, chiêm ngưỡng.
Chương trình Tiên tiến ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử của Trường ĐH Bách khoa (mã trường: QSB, mã ngành: 208) được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Nội dung đào tạo được tham khảo từ chương trình Điện – Điện tử đang vận hành của Khoa Điện & Kỹ thuật Máy tính (ECE) thuộc ĐH Illinois Urbana-Champaign (UIUC), Hoa Kỳ. Trong quá trình học tập, sinh viên được tiếp cận nguồn học liệu chất lượng cao từ ECE-UIUC và Học viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ.
Nếu dự tính du học, thí sinh có thể tìm hiểu chương trình Chuyển tiếp Quốc tế ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử. Với chương trình này, sau hai năm học tập ở Bách khoa, sinh viên sẽ chuyển tiếp qua một trong các trường đối tác (ĐH Adelaide, ĐH Griffith – tất cả đều tại Úc) theo nguyện vọng để hoàn tất chương trình đào tạo giai đoạn hai và nhận bằng tốt nghiệp do ĐH đối tác Úc cấp.

—–

(1) ĐH Công nghệ Ilmenau đứng thứ 65/363 ở Đức theo bảng xếp hạng uniRank 2023. Ngôi trường này tọa lạc tại Ilmenau – một thành phố nhỏ bé, lâu đời, đồng thời là chiếc nôi của định dạng mp3 nổi tiếng thế giới.

(2) Mạch PCB – bảng mạch in hay bo mạch in, đôi khi gọi tắt là mạch in – là bảng được sử dụng để kết nối các linh kiện điện tử với nhau nhờ các đường dẫn điện “in” trên một tấm vật liệu cách điện. Chúng đóng vai trò quan trọng trong hầu hết thiết bị điện tử ngày nay.

(3) Field-Programmable Gate Array (FPGA) là một loại mạch tích hợp có thể được lập trình hoặc lập trình lại bằng ngôn ngữ mô tả phần cứng sau khi sản xuất. Nó bao gồm một dãy các khối logic và kết nối thực hiện những chức năng kỹ thuật số khác nhau. FPGA thường được sử dụng trong các ứng dụng yêu cầu tính linh hoạt, tốc độ và khả năng xử lý song song, chẳng hạn trong lĩnh vực công nghiệp, viễn thông, ô tô và hàng không vũ trụ.

(4) Quang khắc (photolithography) là một kỹ thuật trong công nghệ bán dẫn và công nghệ vật liệu nhằm tạo ra các chi tiết của vật liệu và linh kiện với hình dạng, kích thước xác định bằng cách sử dụng bức xạ ánh sáng làm biến đổi các chất cảm quang phủ trên bề mặt, từ đó tạo ra hình ảnh cần tạo.

(5) Khắc axit/ bazo là quá trình hóa học trong đó một axit mạnh/ bazo mạnh (còn gọi là chất ăn mòn) tiếp xúc với bề mặt của wafer để loại bỏ một phần bề mặt nhằm tạo ra hình ảnh, thiết kế hoặc linh kiện.

(6) Khắc plasma giúp loại bỏ vật liệu khỏi bề mặt substrate bằng cách sử dụng plasma được tạo ra bằng Oxy, Argon, CF4 hoặc các khí tương tự khác. Khắc là một quá trình quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn nhằm tạo thành các chi tiết trên tấm silicon cho các thiết bị điện tử và vi mạch. Trong khắc plasma, quá trình ion hóa sẽ tạo ra plasma và plasma được sử dụng lên bề mặt substrate để loại bỏ vật liệu.

(7) Phún xạ là một quá trình lắng đọng hơi vật lý (PVD) trong đó các nguyên tử bị đẩy ra khỏi vật liệu mục tiêu rắn do bị oanh tạc bởi các ion hoặc hạt mang năng lượng cao. Điều này liên quan đến việc đẩy vật liệu từ “mục tiêu” là nguồn lên substrate (ví dụ wafer silicon).

(8) Công nghệ Physical Vapor Deposition (PVD) là một quá trình phủ màng mỏng để tạo ra lớp phủ kim loại nguyên chất, hợp kim kim loại và gốm sứ với độ dày thường nằm trong khoảng từ 1 đến 10µm. 

PVD được đặc trưng bởi một quá trình trong đó vật liệu chuyển từ pha ngưng tụ sang pha hơi, sau đó quay lại pha ngưng tụ rồi tạo nên một lớp mỏng. Các quá trình PVD phổ biến nhất là phún xạ và bay hơi.

(9) Tấm wafer Silicon <100> được n-doped là một tấm wafer silicon đã được pha thêm các nguyên tử để tạo ra lượng hạt mang điện tích âm (electron) nhiều hơn. Ký hiệu <100> biểu thị hướng tinh thể của tấm bán dẫn, xác định rằng bề mặt của nó thẳng hàng với mặt phẳng tinh thể (100). 

Sự pha thêm điện tích âm được tạo ra bằng cách đưa các nguyên tố như Phốt-pho hoặc Asen vào mạng silicon. Những nguyên tố này tặng thêm electron, tạo ra vật liệu bán dẫn loại n. Silicon được n-doped thường được sử dụng khi chế tạo thiết bị bán dẫn, trong đó việc tinh chỉnh các hạt mang điện tích là rất quan trọng cho hoạt động của bóng bán dẫn và các linh kiện điện tử khác.

(10) Tín hiệu analog (tín hiệu tương tự) là bất kỳ tín hiệu liên tục nào có tính năng thay đổi thời gian của tín hiệu là đại diện cho một số lượng thay đổi thời gian khác, nghĩa là tương tự với tín hiệu thay đổi thời gian khác. Hiểu nôm na, tín hiệu analog là tín hiệu liên tục đại diện cho các phép đo vật lý, sử dụng một loạt giá trị liền nhau để biểu diễn thông tin.

(11) Tín hiệu digital (tín hiệu số) là tín hiệu được sử dụng để biểu diễn dữ liệu dưới dạng một chuỗi các giá trị rời rạc. Tại bất kỳ thời điểm nào, nó chỉ có thể đảm nhận một trong số các giá trị hữu hạn. Hiểu nôm na, tín hiệu digital là tín hiệu được phân tách theo thời gian, sử dụng các số 0 và 1 rời rạc để biểu diễn thông tin.

(12) Fabrication là quá trình đúc chip gồm một loạt các bước liên quan tới việc tạo ra các mạch tích hợp (IC) hoặc các linh kiện điện tử trên tấm wafer bán dẫn. Nó còn được gọi là quá trình chế tạo linh kiện bán dẫn hoặc sản xuất bán dẫn.

(13) Packaging đề cập đến việc lắp ráp và đóng gói các mạch tích hợp (IC) hoặc thiết bị bán dẫn để bảo vệ chúng và tạo điều kiện cho chúng tích hợp vào hệ thống điện tử. Quá trình đóng gói là bước quan trọng trong quá trình sản xuất tổng thể các linh kiện điện tử. Một số kỹ thuật phổ biến: đính kèm chip (Die Attach), nối dây (Wire Bonding), niêm phong (Encapsulation), dùng khung chì (Lead Framing)…

(14) Viện Vi Điện tử và Hệ thống Cơ Điện tử Erfurt nằm ở ngoại ô thủ phủ Erfurt, bang Thuringia. Khu vực này kết nối ba viện nghiên cứu: Viện nghiên cứu Vi Cảm biến, Viện Vi Điện tử và Hệ thống Cơ Điện tử và Xưởng đúc Bán dẫn X-FAB. Tại đây, các chuyên gia làm việc chặt chẽ cũng như phối hợp với nhau để nghiên cứu và phát triển vi mạch, vật liệu bán dẫn cùng các hệ thống điện tử.

(15) Verilog là ngôn ngữ miêu tả phần cứng được sử dụng để mô hình hóa các hệ thống điện tử, phổ biến trong thiết kế và xác minh các mạch kỹ thuật số chuyển đổi thanh ghi ở mức cực cổng. Khi lập trình xong và đem tổng hợp, mạch của bạn sẽ được biên dịch thành các tổ hợp AND, OR, XOR, NOT, D-Filplop… Đó là chuyển đổi mức cổng.

(16) Cadence là một phần mềm của Cadence Design Systems – công ty phát triển phần mềm và cung cấp dịch vụ tự động hóa thiết kế điện tử (EDA). Những công cụ EDA được các kỹ sư và nhà thiết kế trong ngành bán dẫn và điện tử sử dụng để thiết kế, kiểm tra các mạch tích hợp (IC), bảng mạch in (PCB) cùng các hệ thống điện tử khác.

(17) Trí tuệ nhân tạo bằng phần cứng (Neuromorphic) hay điện toán mô phỏng thần kinh là một nhánh của trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học máy tính nhằm thiết kế và xây dựng các hệ thống tính toán lấy cảm hứng từ cấu trúc và chức năng của bộ não con người. Nó sử dụng các linh kiện điện tử để giả lập một phần của hệ thần kinh, giúp tạo ra một mạng thần kinh mà không cần phải lập trình.

(18) Bóng bán dẫn linh động điện tử cao (High-electron-mobility transistor – HEMT) là loại bóng bán dẫn hiệu ứng trường hoạt động theo nguyên tắc heterojunctions. Những bóng bán dẫn này rất đặc biệt vì độ linh động điện tử cao, bằng cách sử dụng cấu trúc heterojunctions trong vùng channel của bóng bán dẫn, hoạt động tốt ở xung nhịp cao và đặc tính nhiễu thấp.

(19) Bóng bán dẫn đơn electron (Single-electron transistor – SET) là một loại bóng bán dẫn chuyên dụng hoạt động bằng cách điều khiển từng electron. Không giống bóng bán dẫn truyền thống dựa vào dòng điện liên tục, SET hoạt động ở cấp độ lượng tử, điều khiển chuyển động của các electron đơn lẻ.

(20) Kỹ thuật đóng gói chip 2.5D/3D là các công nghệ đóng gói bán dẫn tiên tiến liên quan đến việc xếp chồng nhiều khuôn (chip) lên nhau, theo chiều ngang (2.5D) hoặc chiều dọc (3D), để nâng cao hiệu suất, giảm hệ số form factor (hệ số của thiết kế phần cứng xác định hình dạng, kích thước và các tính chất vật lý khác của toàn bộ thiết kế PCB, bao gồm khung mạch, cấu hình bo mạch bên trong, sơ đồ lắp đặt…) và cho phép tích hợp các thiết bị không đồng nhất và các linh kiện. 

Những kỹ thuật này giúp cải thiện mật độ kết nối, rút ngắn đường dẫn tín hiệu và hỗ trợ tản nhiệt hiệu quả, từ đó nâng cao hiệu suất và tối ưu hóa chức năng của các thiết bị điện tử như hệ thống máy tính hiệu suất cao hoặc thiết bị điện tử tiêu dùng tiên tiến.

(21) Kỹ thuật tự lắp ráp (Self-Assembly) là một kỹ thuật công nghệ nano, trong đó các cấu trúc có kích thước nano tự động tổ chức thành các linh kiện mà không cần sự điều hướng hay tác động từ bên ngoài. Nó tận dụng đặc tính vốn có của vật liệu để hình thành các cấu trúc có trật tự một cách tự nhiên. 

Quá trình này có thể xảy ra thông qua nhiều cơ chế khác nhau, bao gồm nhận dạng phân tử, lực Van der Waals và liên kết hydro. Khả năng tự lắp ráp đặc biệt có giá trị trong công nghệ nano, giúp tạo thành vật liệu nano, chẳng hạn hạt nano và ống nano. Từ đó mở ra triển vọng ứng dụng trong ngành điện tử, y học và khoa học vật liệu nhờ tính hiệu quả và khả năng mở rộng của nó.

(22) Học phí ở Đức là miễn phí. Sinh viên chỉ cần đóng 134€/kỳ để gia hạn thẻ sinh viên. Với tấm thẻ này, bạn có thể di chuyển bằng tàu xe hoàn toàn miễn phí. Hơn nữa, chính phủ Đức còn tặng tất cả sinh viên (không phân biệt sinh viên trong nước hay ngoài nước) 100€/kỳ nên học phí của Đức Minh hiện chỉ khoảng 34€/kỳ.

Bài trước

Bài tiếp