ĐH Công nghệ Nagaoka tăng cường trao đổi SV với Bách khoa

SV Bách khoa khối Nhật ngữ có cơ hội tham gia thực hè tại Nhật và Việt Nam, chuyển tiếp du học sang Nhật, được tạo điều kiện tốt nhất để tham gia vào thị trường lao động Nhật.

Bài viết liên quan
SV Định hướng Nhật Bản K2020 hoàn tất phỏng vấn thực tập với DN Nhật ở Nhật
SV Chất lượng cao Tăng cường Tiếng Nhật nhận chứng chỉ AOTS
Lễ Nhập môn cho tân SV CLC Tăng cường Tiếng Nhật: Nhiều thông tin và hé lộ bất ngờ
Những nét văn hóa “cộp mác” doanh nghiệp Nhật

Sáng 24/2/2023, sự kiện kết nối Industry Academia Collaboration Meeting for Information Exchange do ĐH Công nghệ Nagaoka (NUT) chủ trì đã diễn ra tại cơ sở Lý Thường Kiệt, Trường ĐH Bách khoa. 

Phía Nhật Bản có sự góp mặt của GS. TS. Umeda Minoru – Phó Hiệu trưởng NUT cùng với các đại diện doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị, công nghệ phần mềm, điện – điện tử… Phía Trường ĐH Bách khoa có PGS. TS. Nguyễn Danh Thảo – Phó Hiệu trưởng, PGS. TS. Đặng Đăng Tùng – Giám đốc Văn phòng Đào tạo Quốc tế cùng các trưởng đơn vị, phòng ban.

kết nối đh công nghệ nagaoka
Từ phải qua: PGS. TS. Đặng Đăng Tùng – Giám đốc Văn phòng Đào tạo Quốc tế, PGS. TS. Nguyễn Danh Thảo – Phó Hiệu trưởng cùng đại diện các đơn vị, phòng ban Trường ĐH Bách khoa tham dự sự kiện.

Nội dung chính của sự kiện giới thiệu hoạt động hợp tác đào tạo và nghiên cứu thông qua mô hình GTP (Gigaku Techno Park) giữa ba bên, NUT – Trường ĐH Bách khoa – các doanh nghiệp Nhật ở Nhật và Việt Nam như Sorimachi Vietnam, ABE Industrial Vietnam… trong những năm qua. Từ đó giúp các doanh nghiệp có mặt tại sự kiện hiểu thêm về cơ chế trao đổi SV, nghiên cứu sinh, giáo sư và kỹ sư mà hai trường đang triển khai, tạo cơ sở để SV Bách khoa có thể đến thực tập và làm việc tại các doanh nghiệp này trong thời gian tới. 

kết nối đh công nghệ nagaoka
Sự kiện có sự góp mặt của các đại diện đến từ NUT và doanh nghiệp Nhật muốn tuyển dụng SV Bách khoa đến thực tập và làm việc trong thời gian tới.

Tại sự kiện, GS. TS. Umeda nhấn mạnh Trường ĐH Bách khoa là một trong những đối tác quan trọng của NUT trong việc triển khai mô hình GTP tại Việt Nam. Mô hình này cũng từng là tiền đề để hai trường phối hợp vận hành chương trình Tăng cường Tiếng Nhật (tiền thân của chương trình Chuyển tiếp Quốc tế sang Nhật hiện tại) từ 2007, nhằm mục đích đào tạo nguồn nhân lực am hiểu về khoa học – kỹ thuật, có khả năng tham gia vào những dự án R&D tại các doanh nghiệp Nhật trong và ngoài nước. 

GS. TS. Kobayashi Takaomi – Trưởng Khoa Cải tiến Khoa học kỹ thuật NUT cũng cho biết, định hướng của NUT trong giai đoạn tới là vẫn tiếp tục đẩy mạnh các chương trình đào tạo nhân lực ngành kỹ thuật ở Trường ĐH Bách khoa, triển khai thêm các dự án giáo dục và nghiên cứu quốc tế, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật vừa và nhỏ trong lĩnh vực khoa học – kỹ thuật mở rộng hoạt động tại Việt Nam… 

giáo sư trường đại học công nghệ nagaoka
GS. TS. Umeda (bìa phải) và GS. TS. Kobayashi (giữa) đại diện NUT trao đổi thông tin và tích cực đặt câu hỏi cho phía Trường ĐH Bách khoa.

Đến với sự kiện còn có ông Takahashi Akihiko – CEO Công ty Sorimachi Vietnam với phần giới thiệu về chuỗi chương trình hợp tác với NUT và các doanh nghiệp IT Nhật nhằm đào tạo và đưa SV Bách khoa đến thực tập – tập huấn thực tế tại doanh nghiệp trong giai đoạn 2022-2024. 

Cụ thể, trong tháng 7-8/2022, Sorimachi Vietnam đã triển khai khóa học Xây dựng ứng dụng di động bằng kỹ thuật tân tiến Flutter, trao chứng chỉ tốt nghiệp khóa học cho hơn 20 SV K2020 chương trình Định hướng Nhật Bản ngành Khoa học Máy tính. Trong tháng 6-8/2023 tới đây, Sorimachi tiếp tục dành 12 suất thực tập hè tại Nhật và Việt Nam dành cho SV chương trình Định hướng Nhật Bản năm Ba; và dự kiến những SV này sẽ có cơ hội tham gia vào các chương trình du học, tập huấn thực tế tại Nhật từ 2024.

Sorimachi Vietnam
Ông Takahashi Akihiko – CEO Công ty Sorimachi Vietnam giới thiệu về chuỗi chương trình đưa SV Bách khoa đến thực tập – tập huấn thực tế tại doanh nghiệp trong giai đoạn 2022-2024.

Tại sự kiện, các bên cũng có những trao đổi tích cực về việc thống nhất điều kiện thực tập và tốt nghiệp giữa hai trường, trao cơ hội để SV Bách khoa có thể dễ dàng kết nối và tham gia vào thị trường lao động Nhật. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với SV Bách khoa khối Nhật ngữ, mở ra những triển vọng phát triển đa dạng cho SV trước lẫn sau khi ra trường.

đại học bách khoa kết nối doanh nghiệp nhật
Đại diện NUT, Trường ĐH Bách khoa và các doanh nghiệp chụp hình lưu niệm.

Bài: INAKO – Hình: HUY PHAN, NHƯ QUỲNH

Bài trước