Huy chương Vàng Dầu khí CLC K2017: Học giỏi nhờ hội bạn thân

Kết được nhóm bạn thân chung ngành ngay từ học kỳ đầu tiên, Nguyễn Trung Tín coi đó là chìa khóa mở lối vượt qua mọi thể loại thi cử, bài tập lớn, đồ án, tiến đến tốt nghiệp Huy chương Vàng khóa 2017, chương trình Chất lượng cao, ngành Kỹ thuật Dầu khí.

Bài viết liên quan
Tiếng Anh chuyên ngành – bệ phóng thành công trong lĩnh vực dầu khí
QS Subjects 2022: Ngành Kỹ thuật Dầu khí Bách khoa lọt vô top 50-100 thế giới
10 công việc chuyên ngành Dầu khí được trả lương cao

Nhờ bạn cấp ba mà “bén duyên” BÁCH KHOA

Năm lớp 12, Tín được bạn bè chung Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Khánh Hòa, giới thiệu về chương trình Chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM. Vốn khoái du lịch khám phá, Tín quyết định đặt nguyện vọng vào ngành Kỹ thuật Dầu khí, chương trình Chất lượng cao để thỏa mãn

Với sở thích mê đi phượt, thích khám phá, Tín chọn nguyện vọng vào ngành Kỹ thuật Dầu khí để được trải nghiệm công việc ở giàn khoan, giao lưu, học hỏi cùng kỹ sư quốc tế. Tín được biết, bên cạnh việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng nước xa bờ, các công ty, tập đoàn dầu khí Việt Nam còn đẩy mạnh nghiên cứu về địa nhiệt, dầu/ khí đá phiến, dầu/ khí sét, khí than, khí cháy, băng cháy, bitum… Vì vậy, cơ hội nghề nghiệp dành cho sinh viên ngành Kỹ thuật Dầu khí càng thêm rộng mở, phong phú. Không chỉ dừng lại ở đó, các kỹ sư dầu khí thường được cơ quan khuyến khích tu nghiệp, du học ở nước ngoài để cập nhật công nghệ hiện đại nhất.

Tín (giữa) và các bạn đi du lịch bụi ở Cần Giờ.

GIA SƯ UY TÍN CỦA LỚP QUA NHIỀU KỲ THI

Trong học kỳ đầu tiên tại Bách khoa, Pre-University, Tín đã sớm gầy được hội bạn thân chung lớp Kỹ năng Mềm (Soft Skills) và chuyên ngành Kỹ thuật Dầu khí để cùng nhau vượt qua các thể loại thi cử, bài tập lớn, đồ án cơ sở ngành/ chuyên ngành/ tốt nghiệp.

Tín còn kể thêm, trong lớp bạn tuy ít nữ nhưng rất chất lượng, xinh đẹp và tài năng là chưa đủ để nói về hai bạn nữ Nguyễn Ngọc Anh Thy và Võ Trâm Oanh. Mỗi bạn có một thế mạnh nổi bật khác nhau nhưng điểm chung là rất tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, thuộc hàng top lớp và hoàn thành luận văn đúng hạn.

Mỗi mùa thi cử, hội bạn thân này được dịp cà phê sáng tối để ôn bài cùng nhau. Theo lời nhận xét của cô bạn cùng lớp, chàng trai học bá này chưa bao giờ ngại vào vai gia sư đa tài, giúp các bạn củng cố nội dung bài học, giải đáp tất tần tật các phần còn chưa rõ, giải bài tập và góp ý cho nhau. Bởi quan niệm của Tín cho rằng mỗi bạn sẽ giỏi ở một khía cạnh nhất định, ai hiểu rõ phần nào sẽ chia sẻ kiến thức của mình cho các bạn khác và ngược lại. Điều này sẽ có ích cho nhóm bạn cùng tiến bộ, lĩnh hội được nhiều kiến thức nhất có thể.

Nhờ kỹ năng teamwork hiệu quả nên học Bách khoa dù có khó mấy cũng trở nên dễ thở hơn với Tín và hội bạn thân. Tình bạn này dễ dàng cảm nhận được qua những tấm ảnh lưu niệm, đi bất kỳ nơi đâu, nhóm bạn này cũng đều giữ lại cho mình “pô ảnh ký ức”. Cứ sau mỗi kỳ thi căng thẳng, các bạn lại tổ chức những đợt thăm quê của từng thành viên trong nhóm để xả stress hoặc “làm vài két bia”.

Bài viết liên quan
SV quốc tế xuất sắc nhất bang Nam Úc: CT Chuyển tiếp Quốc tế là lựa chọn hoàn hảo
Võ Ái Chi: Không thể có chuyện thất nghiệp nếu bạn đủ năng động và tích cực

TỰ TIN VƯƠN RA BIỂN LỚN

Quãng thời gian bốn năm tại Bách khoa, được lĩnh hội nhiều kiến thức và tiếp cận nhiều cơ hội phát triển bản thân, Trung Tín ngày nay đã trở thành một phiên bản “xịn sò” hơn rất nhiều. Chính châm ngôn sống “Đừng bao giờ hối hận về sự lựa chọn của mình mà hãy bước tiếp và biến mọi khó khăn thành thách thức để mình trưởng thành” đã dìu dắt Tín gặt hái nhiều thành công trong suốt bốn năm qua.

Nhờ học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh nên cậu bạn có được sự tự tin về kiến thức nền tảng cũng như khả năng thuyết trình, giao tiếp tốt bằng tiếng Anh. Khi đang thực tập tại Trung tâm Châu Á nghiên cứu về nước (CARE), đề tài luận văn tốt nghiệp của Tín đã được phát triển dưới sự đồng hướng dẫn của TS. Marc Descloitres – Giám đốc Khoa học của CARE, chuyên gia về mảng địa vật lý và ThS. Trương Quốc Thanh – Giảng viên Khoa Kỹ thuật & Địa chất Dầu khí.

Nguyễn Trung Tín (phải) nhận Huy chương Vàng tốt nghiệp và bằng khen từ Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, PGS. TS. Mai Thanh Phong. – Hình: MAI KHUYÊN

Rinh điểm gần như tuyệt đối 9,8/10,00 môn Luận văn tốt nghiệp với đề tài “Đánh giá độ hiệu quả của phương pháp địa vật lý tần số điện từ trong việc nhận diện lớp sét của hệ thống tầng chứa nước nông khu vực Củ Chi, Phía Bắc TP.HCM” (Application of Electrical Resistivity Tomography [ERT] to Identify Underground Aquifers in Cu Chi Area, Ho Chi Minh City), Tín tự hào về kết quả nghiên cứu của mình được đánh giá cao tại hội đồng. Đây cũng là đề tài giúp Tín và các thành viên trong nhóm đạt giải Nhất Hội nghị Khoa học & Công nghệ sinh viên OISP 2021. Đề tài trên cho ra kết quả gần chính xác về độ sâu và giá trị độ dẫn điện của lớp sét về mặt lý thuyết và số liệu thực tế khi so sánh với kết quả của các phương pháp địa vật lý khác.

Sau thời gian thực tập và tốt nghiệp xuất sắc, nay Tín vẫn tiếp tục công tác tại CARE từ 2021 tới nay.

LỜI NHẮN GỬI hậu bối 2K4ER

Với Tín, việc chọn ngành là rất quan trọng cho tương lai. Hãy cứ chọn ngành học mà có liên quan đến sở thích, sở trường của bạn. Vì một khi bạn đã thích chúng, bạn sẽ không bao giờ bị chán nản trong việc học, sẽ dành nhiều thời gian hơn vào ngành mình yêu thích. Đừng quên giữ sự tự tin và kết thân với thật nhiều bạn khi vào đại học nhen!

Hội bạn thân trong truyền thuyết của Tín (thứ tư từ phải qua) vào ngày tốt nghiệp.
Nhằm cung ứng nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực dầu khí, Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) (mã trường: QSB) đã triển khai chương trình Chất lượng cao và Chuyển tiếp Quốc tế ngành Kỹ thuật Dầu khí từ năm 2013 đến nay, cụ thể:
Chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Dầu khí (mã ngành: 220): giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, số lượng tín chỉ và nội dung môn học được tham khảo từ chương trình đào tạo của các đại học Mỹ, Úc uy tín như Texas Tech University, University of California San Diego (Mỹ), The University of Adelaide (Úc)… Sinh viên được khuyến khích nghiên cứu khoa học từ sớm, tiếp xúc thường xuyên với những tài liệu chuyên ngành mới nhất cũng như tham gia thực tập, kiến tập ở các công ty, tập đoàn dầu khí hàng đầu Việt Nam.
Chương trình Chuyển tiếp Quốc tế ngành Kỹ thuật Dầu khí (mã ngành: 320): hợp tác đào tạo cùng The University of Adelaide (Úc). Nội dung giảng dạy là sự kết hợp hài hòa của khoa học địa chất (vỉa tích hợp, mô hình vỉa, mô hình địa chất, kỹ thuật khoan và khai thác…) với khoa học quản lý thông qua việc thực hiện các dự án nghiên cứu thực tế.

LIÊN HỆ TƯ VẤN
Văn phòng Đào tạo Quốc tế (OISP) – Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM)
ⓐ Kiosk OISP, Trường ĐH Bách khoa, 268 Lý Thường Kiệt, Q.10
ⓟ (028) 7300.4183 – 03.9798.9798
ⓔ tuvan@oisp.edu.vn
Ⓦ oisp.hcmut.edu.vn

TÚ TÚ thực hiện – Hình: Nhân vật cung cấp

Bài trước

Bài tiếp