Tư vấn tuyển sinh: (028) 7300.4183/ 7301.4183 – 03.9798.9798 tuvan@oisp.edu.vn
Select Page

Ba SV Bách khoa Quốc tế “ẵm” trọn Comm TECH Camp Insight 2023

Phạm Minh Ngọc Thảo, Lê Gia Phát và Trương Minh Khôi – SV chương trình Giảng dạy bằng tiếng Anh, đã là ba gương mặt đại diện của Bách khoa nhận được học bổng của Comm TECH Camp Insight 2023.

Bài viết liên quan
Lén thi Bách khoa, thành “sắn lùi” đáng gờm của Khoa Điện
Từ TFSCALE 2022, thấy được tầm quan trọng của việc biết nhiều ngoại ngữ

Chương trình Community & Technological (Comm TECH) Camp Insight 2023 do Học viện Kỹ thuật Sepuluh Nopember (ITS) (Indonesia) tổ chức dành cho tất cả sinh viên, giảng viên của các ĐH đối tác, trong đó có Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM).

Phạm Minh Ngọc Thảo và Trương Minh Khôi – cùng là SV K2021 chương trình Tiên tiến ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử lần lượt đạt học bổng toàn phần (1.600 USD), bán phần (800 USD) và Lê Gia Phát – SV K2021 chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Công nghiệp, đạt học bổng bán phần.

Chủ đề của Comm TECH Camp Insight 2023 là “Giải quyết vấn đề địa phương bằng kiến thức toàn cầu” (Solving Local Problem with Global Knowledge). Ba sinh viên Bách khoa sẽ tham gia khóa học đầu tiên diễn ra từ 26/1-6/2/2023, bao gồm nhiều hoạt động học thuật và trao đổi văn hóa đặc sắc như chế tạo tàu tự hành, hành động của doanh nhân xã hội, học tiếng Indonesia…

OISP đã lẹ tay liên lạc với Ngọc Thảo, Gia Phát và Minh Khôi để tìm hiểu quá trình “săn” học bổng của các bạn.

PHẠM MINH NGỌC THẢO: CHỦ ĐỘNG NẮM BẮT CƠ HỘI

Thảo tâm sự: “Nhờ theo dõi thường xuyên fanpage Phòng Quan hệ Đối ngoạiVăn phòng Đào tạo Quốc tế của nhà trường nên mình biết được học bổng này. Với quan điểm sống ‘Take the risk or lose your chances’ (chấp nhận rủi ro hay đánh mất cơ hội), mình liền tìm hiểu thông tin và gửi hồ sơ ứng tuyển”.

Cô gái duy nhất của Bách khoa đạt học bổng toàn phần.

Theo Thảo, phần khó nhất của học bổng chính là bài luận. Dựa vô đó, Ban Xét duyệt sẽ quyết định trao học bổng bao nhiêu phần trăm (toàn phần, bán phần) cho ứng viên. Thảo đặt mục tiêu nhắm tới học bổng toàn phần nên tính cạnh tranh sẽ cao hơn rất nhiều so với các ứng viên khác.

Cuối cùng, Thảo đã thành công! Với học bổng này, Thảo sẽ có cơ hội được tìm hiểu về đất nước và con người Indonesia, gặp gỡ, giao lưu đa văn hóa.

LÊ GIA PHÁT: TÍCH LŨY KINH NGHIỆM, CHỚP THỜI CƠ ĐÚNG LÚC

Đã có kinh nghiệm “săn” thành công học bổng với chương trình TFSCALE 2022 nên Phát đã tự tin gởi đơn ứng tuyển khi thấy thông tin về Comm TECH Camp Insight 2023.

Lê Gia Phát đặt trọng tâm vô bài luận.

Phát chia sẻ: “Mình dành nhiều tâm huyết cho bài luận vì đó là mấu chốt để thuyết phục Ban Xét duyệt vì sao mình xứng đáng được chọn. Bài luận nêu lên sự ấn tượng và niềm yêu thích của bản thân về những hoạt động của chương trình, cho thấy được niềm mong mỏi học hỏi và khám phá thêm nhiều điều mới lạ, đồng thời khao khát thể hiện bản thân với gia đình, người thân cũng như bạn bè quốc tế”.

TRƯƠNG MINH KHÔI: KIÊN TRÌ THEO ĐUỔI MỤC TIÊU

Khác với Thảo và Phát, Minh Khôi có quá trình xét duyệt học bổng lâu hơn với gần hai tháng chuẩn bị hồ sơ và các giấy tờ liên quan.

Khôi giãi bày: “Không để những khó khăn này làm chùn bước, mình kiên nhẫn chuẩn bị hồ sơ, suy nghĩ viết bài luận để thuyết phục Ban Xét duyệt học bổng. Trong thư, mình trình bày tại sao lại quyết định chọn theo chuyên ngành tự động và học bổng này sẽ có ích cho tương lai của mình sau này như thế nào. Cuối cùng, mình bày tỏ niềm yêu thích và ấn tượng về đất nước, con người Indonesia”.

Trương Minh Khôi “ẵm” được học bổng bán phần.

Không khỏi bất ngờ, Khôi đã được chọn để trao học bổng bán phần. Đây là cơ hội tốt giúp Khôi phát triển bản thân, lãnh hội kiến thức và giao lưu với bạn bè quốc tế.

Chương trình Tiên tiến (giảng dạy bằng tiếng Anh) là dự án quốc gia của Bộ GD&ĐT nhằm xây dựng chương trình đào tạo bậc ĐH tiếp cận với trình độ của các ĐH tiên tiến trên thế giới. Năm đầu tiên triển khai, 2007, chương trình được thí điểm áp dụng cho các trường ĐH trọng điểm tại Việt Nam, trong đó có Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM). Kế thừa hiệu quả từ chương trình Tiên tiến, năm 2014, chương trình Chất lượng cao (cũng giảng dạy bằng tiếng Anh) ra đời nhằm với mục tiêu thúc đẩy năng lực cạnh tranh của kỹ sư Việt Nam trên thị trường lao động khu vực.
Sau 15 năm vận hành, các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh của Trường ĐH Bách khoa đã tạo được uy tín về chất lượng đào tạo và trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều thí sinh khi xét tuyển đại học. Nhờ có tiếng Anh lưu loát, kỹ năng mềm đa dạng, phong thái tự tin và năng động, sinh viên Bách khoa Quốc tế có ưu thế cạnh tranh khi tham gia các hoạt động có tính quốc tế như ứng tuyển học bổng, chương trình trao đổi, thực tập tại nước ngoài, ứng tuyển việc làm tại các công ty đa quốc gia,

Bài: NGUYỆT LƯU – Hình: HUY PHAN

Bài trước

Bài tiếp