Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
tuvan@oisp.edu.vn

Vị Tết Việt ở Nhật, Úc qua cảm nhận của SV Bách khoa Quốc tế

Chuỗi ngày tích lũy kiến thức và phát triển bản thân tại một quốc gia xa lạ cũng là hành trình trải nghiệm, suy ngẫm, đi để trở về. Nhân dịp xuân mới Giáp Thìn, cùng lắng nghe cảm nhận của các sinh viên Bách khoa Quốc tế về cuộc sống du học cùng hương vị Tết Việt tại nước bạn nghen! 

Bài viết liên quan
Thần dân Bách khoa đón Tết ở Nhật như thế nào?
Những kiểu đón Tết xa nhà của sinh viên Bách khoa Quốc tế
Nhớ Tết quê nhà từ Kanazawa (Nhật)

TẾT VIỆT Ở NHẬT: ĐOÀN KẾT, ĐỒNG LÒNG VÀ ẤM ÁP TÌNH ĐỒNG HƯƠNG

Mình là Lâm Đạo Khang, sinh viên K2020 chương trình Định hướng Nhật Bản ngành Khoa học Máy tính. Mình chuyển tiếp qua ĐH Công nghệ Nagaoka (Nhật Bản) vào tháng Tư năm ngoái. 

Khác với các anh chị đi trước, mình là đứa khá nghiện mấy thứ liên quan anime, manga nên sang Nhật sống là như cá gặp nước. Lúc nào cũng có thứ để chơi, không hề cảm thấy buồn chán hay nhớ nhà gì. 

Đạo Khang tại sự kiện Comic Market (hội chợ truyện tranh tự xuất bản lớn nhất thế giới) lần thứ 103 vào cuối năm 2023. – Hình: ĐẠO KHANG

Đúng là khi đặt chân tới một vùng đất xa lạ, mình mới phát hiện tiềm năng của bản thân và nhận ra cơ hội xung quanh. Để tận dụng tối đa trải nghiệm du học quý báu này, mình đã lên kế hoạch chinh phục hàng loạt mục tiêu: học lái xe hơi, đạt JLPT N1, giao tiếp thành thạo với người bản xứ, học tiếp lên bậc thạc sỹ và theo đuổi chủ đề nghiên cứu yêu thích. 

Năm vừa qua, mình đã gặp phải biết bao trở ngại bởi lần đầu tiếp xúc với môi trường mới, chuyên ngành mới. Thế nhưng, điều đó đồng thời cũng giúp mình chợt tỉnh ngộ, nhận thức được sự non trẻ của chính mình, từ đó có thêm động lực để phấn đấu học tập, trau dồi bản thân.

Nói tới Tết ta là mình nghĩ liền tới những chuyến lễ chùa đầu năm, các “cơ hội làm giàu” (đi chúc Tết, nhận lì xì) và tất nhiên không thể thiếu nồi thịt kho huyền thoại của mỗi gia đình. 

Tết Nhật – tuy có chung nguồn gốc là Tết Nguyên Đán của Trung Quốc với Tết Việt, nhưng qua nhiều lần cải cách dưới thời Minh Trị, đã được dời qua ba ngày đầu năm Dương lịch. Dù vậy, nhiều phong tục xưa cũ vẫn tồn tại tới ngày nay như: 初詣 (hatsumoude – viếng đền đầu năm), 御神籤 (omikuji – bốc quẻ đầu năm), trân quý お節料理 (osechi ryori – bữa cơm mừng năm mới) hay thưởng thức 年越しそば (toshikoshi soba – mì soba năm mới) trong đêm Giao thừa. 

Đặc biệt, một trong những điều độc nhất vô nhị chỉ có ở Nhật là vào những ngày đầu năm, tất cả cửa hàng đồng loạt giảm giá các mặt hàng cũ. Vì vậy, hình ảnh người người dựng lều trước các cửa hàng lớn ở đô thị sầm uất như Tokyo trở nên cực kỳ quen thuộc. Đây có thể được coi là phong tục không chính thức của quốc gia này.

Tháng rồi, Nhật Bản vừa hứng chịu một chuỗi động đất ở nhiều nơi. Trong đó, tỉnh Ishikawa (“hàng xóm” của tỉnh Niigata nơi mình sống) đã trải qua trận động đất lên tới 7,6 độ Richter. Do đó, Hội Sinh viên Thanh niên Việt Nam tỉnh Niigata lên kế hoạch tổ chức chương trình Tết Đoàn viên 2024, nhằm quyên góp bánh chưng cho cho cộng đồng người Việt chịu ảnh hưởng của thiên tai tại tỉnh bạn. Dù đã đăng ký tham gia nhưng do mắc chạy deadline dữ quá nên mình đành lỡ hẹn với hoạt động ý nghĩa này. May mắn là năm nay mình vẫn được về Việt Nam ăn Tết. 29 mình bay nên cũng đỡ cô đơn.

Năm mới Giáp Thìn đã chính thức bắt đầu. Hy vọng mình sẽ hoàn thành mọi dự định đề ra, ngày càng chín chắn, trưởng thành và tự tin dấn thân trên con đường bản thân lựa chọn.

Gởi tới gia đình thân yêu, năm 2024 tiếp tục là 365 ngày thiếu vắng hình bóng của con. Mọi người hãy cứ yên tâm giữ gìn sức khỏe, để sau này đón con về nhà với món quà hạnh phúc và thành công.

Gởi tới bạn bè và đàn em *shout out to CLB Tiếng Nhật Fuji*, hơi tiếc vì đi du học nên mình không thể đồng hành với mọi người lâu hơn. Tuy nhiên, Khang luôn thầm chúc tất cả năm 2024 thuận buồm xuôi gió, vạn sự hanh thông.

TẾT VIỆT Ở ÚC: SỐNG ĐỘNG, RỘN RÃ VÀ KHÔNG THIẾU THỨ GÌ

Mình là Đặng Trần Thu Ngân, sinh viên K2020 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Quản lý Công nghiệp

Sau gần một năm chuyển tiếp tín chỉ qua ĐH Macquarie (Úc), mình cảm thấy việc học ở đây khá tương đồng với Trường ĐH Bách khoa, kiểu rất chú trọng việc tự học á. Chỉ lơ là xíu thôi là sẽ rớt môn liền. Thời gian lên trường cũng khá ít, khoảng 2-3 ngày/tuần. Điều quan trọng là sinh viên cần chủ động tìm tòi, nghiên cứu cũng như trao đổi, hỏi đáp với giảng viên để nắm chắc kiến thức.

Hồi mới qua Úc, mình bị sốc văn hóa nhẹ. Giờ dù đã dần quen nhưng đôi khi cũng buồn buồn vì không còn những buổi tụ tập ăn uống, coi phim, karaoke đã đời cùng bè bạn như hồi ở Việt Nam. Chỗ mình ở bên này thuộc khu ngoại ô nên yên ắng lắm. Trung tâm thương mại thường đóng cửa từ sớm, lúc 5g chiều.

Lại nhớ về Tết cổ truyền, mình và gia đình sẽ quây quần bên nhau coi Táo quân, qua nhà họ hàng chúc Tết cô dì chú bác rồi nhận được lì xì hay gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, làm cơm tất niên.

Những năm gần đây, nhà mình đón Tết hơi khác “truyền thống” một xíu. Cả nhà sẽ đi du lịch cùng nhau. Mình nghĩ không quan trọng là đón Tết ở đâu mà là đón Tết cùng ai. Cho nên dù đón Tết ở Việt Nam hay nước ngoài, mình vẫn cảm thấy rất vui.

Năm Giáp Thìn này, mình sẽ ở lại Úc đón Tết do đợt tháng Bảy vừa rồi, mình mới về Việt Nam thăm nhà. Phần nữa là mình muốn tranh thủ dịp nghỉ hè để đi làm thêm, trang trải chi phí sinh hoạt (kỳ nghỉ hè ở Úc trùng với dịp Tết Âm lịch).

Thật ra Tết này mình không hề cô đơn bởi bạn thân sẽ qua Sydney cùng mình đón Tết. Mình đã lên sẵn hành trình chi tiết để đưa bạn khám phá từng ngóc ngách của Sydney rồi. Tụi mình dự tính đón Tết cổ truyền ở các khu người châu Á trong lòng thành phố.

Với mình, chắc chắn Tết ở Việt Nam luôn là vui nhất. Tuy nhiên, Tết ở Úc cũng đâu có tẻ nhạt như nhiều người thường nghĩ. Bên này, cộng đồng người Việt, Trung, Hàn rất đông. Ở trường mình, mọi người hay nói giỡn là cứ đi vài bước chân thì sẽ gặp liền một sinh viên Việt Nam. Vậy nên mình quyết định ở lại Úc để trải nghiệm thử một mùa Tết xa quê. Theo mình tìm hiểu, các khu người Việt (như Cabramatta, Bankstown…) và phố người Hoa bên này đón Tết Âm lịch với nhiều hoạt động phong phú như: thi đua thuyền, trang trí lồng đèn, trình diễn pháo hoa, trưng bày gian hàng… Nói chung ở Úc không thiếu thứ gì.

Năm mới Giáp Thìn, mình sẽ tiếp tục cố gắng cân bằng giữa việc học và chuyện làm. Bên cạnh đó, mình cũng tích cực tìm kiếm cơ hội thực tập ở các công ty lớn để nâng cấp kiến thức và trau dồi kinh nghiệm. 

Nhân dịp Tết đến xuân về, mình xin kính chúc tất cả mọi người dồi dào sức khỏe, an khang thịnh vượng, vạn sự như ý, tấn tài tấn lộc, tấn bình an.

Bài: XUÂN MAI – Đồ họa: QUỐC HUY

Bài trước

Bài tiếp