“Quãng thời gian chuyển tiếp sang Nhật bỡ ngỡ nhưng đáng nhớ”

Sau bốn tháng chuyển tiếp sang Đại học Công nghệ Nagaoka (NUT), Trương Hoàng Minh – SV K2019 chương trình Chuyển tiếp Quốc tế (sang Nhật) có những cảm nhận cụ thể về môi trường và ngành học.

Bài viết liên quan
SV Bách khoa khối Nhật ngữ hoàn tất kỳ thi chuyển tiếp
SV khối Nhật ngữ được truyền lửa trước khi sang Nhật
Có một Nhật Bản thu nhỏ trong lòng Bách khoa
Lĩnh vực linh kiện điện tử Nhật hưởng lợi nhờ mạng 5G

* Chào Minh! Sau bốn tháng chuyển tiếp sang Nhật, bạn nhận thấy môi trường học tập ở NUT thế nào?

Theo mình, môi trường học tập ở NUT rất tốt về cả cơ sở vật chất lẫn chất lượng đào tạo. 

Về cơ sở vật chất, trường cung cấp đầy đủ các thiết bị học tập và nghiên cứu cho sinh viên. Đa số các khu vực trong trường đều là phòng nghiên cứu nên tụi mình hoàn toàn không lo thiếu thốn trang thiết bị.

Ở năm đầu chuyển tiếp, trường hỗ trợ tụi mình lên lộ trình học tập rất cụ thể và trải đều các ngày trong tuần (có thể tùy chỉnh) để tụi mình làm quen với cường độ học tập ở môi trường mới. 

Hầu hết giảng viên đều có kiến thức chuyên môn cao và nhiệt tình hỗ trợ tụi mình trong việc học, nghiên cứu. Các thầy cô cũng tạo điều kiện cho tụi mình tham gia các hội nghị khoa học nhằm mở mang tầm hiểu biết. 

Ngoài ra, nhờ có khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật và tiếng Anh, tụi mình cũng dễ dàng kết thân với sinh viên người Nhật hoặc những du học sinh nước khác.

* Minh có thể chia sẻ rõ hơn về kiến thức chuyên môn được học tại Nhật?

Mình thấy các môn trong chương trình học tại NUT tập trung vào củng cố các kiến thức nền tảng. Song song đó, mỗi tuần đều xen kẽ các buổi thí nghiệm để tụi mình áp dụng thực tế hoặc chứng minh những gì đã học. Cũng có những thí nghiệm mang tính phát triển nội dung được học hoặc khảo sát thêm những phương diện khác. 

Sẽ có bạn lo rằng nếu khả năng Nhật ngữ không tốt thì không thể bắt kịp các nội dung mà thầy cô truyền tải. Nhưng các bạn yên tâm, thầy cô thường giảng bài với tốc độ khá chậm rãi để du học sinh tụi mình đỡ gặp áp lực vì quá tải thông tin.

sv bach khoa khoi nhat ngu dau chuyen tiep du hoc
Hoàng Minh (hàng đầu, thứ ba từ phải qua) cùng các bạn chụp hình kỉ niệm cùng PGS.TS. Đặng Đăng Tùng (hàng sau, thứ năm từ phải qua) – Giám đốc Văn phòng Đào tạo Quốc tế trước khi chuyển tiếp sang NUT vào tháng 4/2023.

* Bạn nhận thấy vai trò của kỹ sư điện tại Nhật thế nào?

Điện là một yếu tố quan trọng trong đời sống thường nhật, và kỹ sư điện cũng đóng vai trò không thể thiếu. Bên cạnh các hướng khai thác truyền thống trước đây, hiện Nhật Bản cũng đang tập trung phát triển các nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời, năng lượng gió… hoặc phát triển các loại xe điện nên mình tin rằng kỹ sư điện sẽ ngày càng có đất dụng võ.

* Theo Minh, một kỹ sư điện giỏi cần hội tụ những phẩm chất nào? Bạn có lời khuyên nào cho các bạn trẻ trong việc lựa chọn ngành học không?

Theo mình, một kỹ sư điện giỏi cần có kiến thức và kỹ năng chuyên môn, có tầm nhìn rộng, biết phân tích và giải quyết vấn đề, có tính kỷ luật cao và niềm đam mê trong công việc.

Mình chỉ có một lời khuyên cho các bạn trẻ là nên xác định được đâu là điều các bạn giỏi và điều các bạn đam mê, để từ đó tìm ra ngành học có thể thỏa mãn cả hai yếu tố đó. 

* Hãy chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ nhất của Minh trong thời gian học tập tại NUT.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất với mình là quãng thời gian vừa chuyển tiếp sang Nhật. Khi đó đúng ngay mùa hoa anh đào nở, tụi mình có nhiều thời gian khám phá quanh trường, tận hưởng không khí se lạnh cuối đông – đầu xuân. Tụi mình cùng nhau tập tành làm quen với cuộc sống mới, giao lưu với cộng đồng người Việt tại NUT… Thời điểm bắt đầu một chặng hành trình mới thường đáng nhớ nhất vì chính nó đã tạo nên con người mình bây giờ.

Hoàng Minh cho biết vẫn đang vừa thích nghi, vừa tận hưởng cuộc sống tại Nhật.

* Định hướng của Minh trong thời gian tới là gì?

Mình nhận thấy bản thân hiện tại vẫn còn nhiều khuyết điểm trong ngôn ngữ giao tiếp nên mình dự định sẽ luyện tập thêm để cải thiện dần. Mình cũng muốn trải nghiệm văn hóa và nền khoa học kỹ thuật của Nhật nhiều hơn nữa, khám phá Nhật Bản qua nhiều khía cạnh như du lịch, làm thêm, tham gia các lễ hội văn hóa hàng năm.

Chuyển tiếp Quốc tế (sang Nhật) là chương trình đào tạo hợp tác quốc tế giữa Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) với Đại học Công nghệ Nagaoka (Nhật Bản), áp dụng cho ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử (mã trường: QSB, mã ngành: 108).
Thời gian đào tạo: 4,5 năm, gồm 9 học kỳ chính khóa, chia thành hai giai đoạn đào tạo:
– 2,5 năm đầu (giai đoạn 1): Học tại Trường ĐH Bách khoa (Cơ sở Q.10) theo chương trình Đại trà (giảng dạy bằng tiếng Việt). Song song đó, sinh viên được đào tạo tiếng Nhật liên tục trong 5 học kỳ vào các buổi tối trong tuần, kể cả học kỳ Hè. Ở giai đoạn này, một số môn học chuyên môn có sự tham gia giảng dạy ngắn hạn (bằng tiếng Nhật) của các giáo sư từ Nagaoka University of Technology
– 2 năm cuối (giai đoạn 2): Chuyển tiếp sang ĐH đối tác Nhật và học tập cùng các giáo sư ĐH đối tác
Ngôn ngữ giảng dạy: Hoàn toàn bằng tiếng Nhật ở giai đoạn 2
Quy mô lớp học: Tối đa 20 SV/lớp
Bằng cấp: Do ĐH đối tác cấp

Thực hiện: INAKO Hình: OISP, nhân vật cung cấp

Bài trước

Bài tiếp