Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

SVBK chạm tới giấc mơ du học nhờ chương trình Tăng cường Tiếng Nhật

Theo học chương trình Tăng cường Tiếng Nhật (TCTN) ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử, SV đã có những trải nghiệm thú vị và đáng nhớ tại Nagaoka University of Technology (NUT).

sv chuong trinh tctn tai nhat ban
Hội SV Việt Nam tại NUT tham gia hoạt động cắm trại.

CHƯƠNG TRÌNH TCTN MỞ RA CƠ HỘI DU HỌC QUÝ BÁU

Ngô Thị Bảo Ngọc hiện đang là SV năm Tư ngành Công nghệ thông tin và Viễn thông thuộc Khoa Điện – Điện tử và Công nghệ thông tin, NUT. Trước khi trúng tuyển vào chương trình TCTN – Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM), cô nàng từng nghĩ việc du học Nhật Bản là một giấc mơ không thể chạm tới.

Bảo Ngọc tâm sự: “Trước đây mình rất muốn được đi nước ngoài để trải nghiệm và học hỏi, nhưng vì điều kiện kinh tế không cho phép nên mình không nghĩ có thể thực hiện được giấc mơ đó. Khi biết đến chương trình TCTN, mình thấy như được mở ra một con đường để đi du học Nhật Bản với chi phí phải chăng, vì vậy mình đã quyết định nắm bắt ngay cơ hội này”. 

Thực tế, so với các trường ĐH Mỹ hoặc Úc, học phí tại NUT rất “dễ thở” với mức khoảng 87,34 triệu đồng/năm (theo tỷ giá tháng 9/2022). Không những vậy, trường còn có chế độ miễn giảm học phí 50-100% mỗi học kỳ cho du học sinh nên các bạn hoàn toàn có thể yên tâm về vấn đề tài chính.

Bài viết liên quan
Ngành bán dẫn vực dậy, Nhật đẩy mạnh tìm kiếm kỹ sư điện – điện tử
Nhật Bản mở đường thu hút kỹ sư Việt
SVBK Tăng cường Tiếng Nhật khóa 10, 12 tốt nghiệp tại Nhật

Thuộc lứa SV chuyển tiếp qua Nhật vào tháng 4/2021, Bảo Ngọc gặp khó khăn hơn SV các năm trước do dịch COVID-19 kéo dài gây trì hoãn việc nhập cảnh. Dù vậy các bạn đều nhận được sự quan tâm và hỗ trợ tận tình từ Văn phòng Đào tạo Quốc tế (OISP) – Trường ĐH Bách khoa cũng như Văn phòng Quốc tế của NUT từ khâu xin visa, làm thủ tục nhập cảnh đến khi ổn định cuộc sống tại Nhật. Bảo Ngọc cho biết, mỗi du học sinh mới qua Nhật đều được trường phân công một tutor (du học sinh khóa trên hoặc SV bản xứ) hỗ trợ các thủ tục, sinh hoạt và học tập trong ba tháng đầu nên cô nàng cũng đỡ bỡ ngỡ hơn.

Trong khi đó, Đỗ Sỹ Anh – SV cùng khóa với Bảo Ngọc – chia sẻ thêm về quá trình chuẩn bị đi du học: “Trước khi qua Nhật, mình được các thầy cô người Việt lẫn giáo sư thỉnh giảng từ NUT giảng dạy rất nhiều về văn hóa Nhật Bản, cách chào hỏi và tác phong khi phỏng vấn, nhờ đó quá trình từ khi tham dự phỏng vấn đến khi làm quen với cuộc sống tại Nhật tương đối dễ dàng. Dẫu có gặp phải khó khăn nào cũng đều có các thầy cô ở OISP hoặc tutor bên Nhật hướng dẫn nhiệt tình.”

sv tang cuong tieng nhat tai dh cong nghe nagaoka
Sỹ Anh chụp hình check-in trước cổng NUT.

MÔI TRƯỜNG HỌC TẬP Ở NUT: TIỆN NGHI VÀ HIỆN ĐẠI

Nhận xét về NUT, Bảo Ngọc và Sỹ Anh đều đánh giá cao cơ sở vật chất của trường với khuôn viên rộng, sạch đẹp, nhiều cây xanh, môi trường học tập đầy đủ tiện nghi, các trang thiết bị phục vụ cho học tập – nghiên cứu hiện đại và đa dạng. Bài giảng trên lớp của các giảng viên rất sâu sát chuyên ngành, kèm theo đó là những bài tập thực hành thiết thực để SV củng cố kiến thức.

“Bên cạnh các buổi học chuyên ngành, trường còn thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu giữa du học sinh nước ngoài với SV người Nhật, ví dụ như học làm bánh kiểu Nhật, trà đạo, viết thư pháp…” – Bảo Ngọc hào hứng kể.

Ngọc cũng “bật mí” thêm một điều ấn tượng khác về NUT là sự nhiệt tình và thân thiện của thầy cô, bạn bè người Nhật: “Mình còn nhớ có lần thầy và các anh SV người Nhật trong lab (phòng thí nghiệm) đã giúp mình sửa bài từ chiều đến hơn tám giờ tối. Chắc hẳn thầy và các anh đều đã mệt và đói sau một ngày dài nhưng vẫn ở lại giúp mình hoàn thành bài, làm mình rất cảm động”.

Hè này, Bảo Ngọc lại có thêm một trải nghiệm thú vị khi tham gia chương trình thực tập dành cho du học sinh của thành phố Nagaoka (tỉnh Niigata) và các công ty trong nội thành. Nơi Ngọc đang thực tập là một công ty ở gần trường, tại đây Ngọc và các bạn được phổ cập nhiều kiến thức mới như viết chương trình, viết báo cáo, học về cách vận hành một công ty IT ở Nhật… đồng thời tập làm những công việc như một nhân viên thực thụ. Với cô nàng, đây đều là những trải nghiệm quý báu giúp cho hành trình du học thêm phong phú và đa sắc màu hơn.

KHÓ KHĂN NHƯNG KHÔNG CHÙN BƯỚC

Lần đầu tiên du học xa xứ, các SV đều khó tránh được những khó khăn, vất vả. Sỹ Anh kể về quá trình hòa nhập môi trường mới của mình: “Khi vừa chuyển tiếp qua NUT, mình có chút “hụt hơi” trong việc làm quen với cường độ học tập tại đây. May nhờ có các anh chị người Việt động viên và khuyến khích mình tham gia các hoạt động ngoại khóa như ngắm hoa anh đào, leo núi, xem pháo hoa, còn có cả CLB thể thao dành cho sinh viên Việt Nam như đá bóng, bóng rổ… Bằng cách lên kế hoạch học tập hợp lý và xen kẽ các hoạt động ngoại khóa, mình dần thích nghi tốt và đạt được hiệu quả trong học tập”. 

hoi sv viet nam tai nhat ban
Sỹ Anh tham gia hoạt động leo núi cùng các du học sinh tại NUT.

“Cụ thể, mình khuyên các bạn nên chia thời gian biểu hợp lý cho từng môn học, thường xuyên làm các bài tập mà giảng viên nhấn mạnh hoặc gợi ý để có thể hiểu rõ nội dung bài học hơn. Các bạn không nên để dồn kiến thức trước các kì thi để tránh gây hoảng loạn tâm lý và không đạt được hiệu suất tốt khi tiếp thu kiến thức mới.” – Sỹ Anh chia sẻ chi tiết hơn về bí quyết học tập của mình. 

Còn với Bảo Ngọc, trở ngại lớn nhất đã và đang vấp phải là rào cản ngôn ngữ: “Lúc còn học ở Bách khoa, các thầy cô và anh chị khoá trước thường khuyên tụi mình cố gắng học tốt tiếng Nhật, nếu không rành ngôn ngữ thì khi qua Nhật sẽ rất vất vả. Mình cảm thấy đây là một lời khuyên rất đúng đắn nên muốn nhắn nhủ các bạn còn đang ở Việt Nam hãy học tốt tiếng Nhật để sau khi sang Nhật bớt khó khăn hơn. Hiện mình vẫn đang cố gắng mỗi ngày để cải thiện khả năng giao tiếp của mình”. 

Sỹ Anh cũng đồng tình với ý kiến trên và nói thêm: “Mình nghĩ rằng các bạn sinh viên nên trau dồi một lượng kiến thức nền tảng chuyên ngành vững chắc và năng lực tiếng Nhật đủ tốt để hiểu và thích nghi với môi trường học tập cũng như cuộc sống tại Nhật.

Ngoài ra, mùa đông tại Nagaoka khá lạnh và có tuyết nhiều, vì vậy các bạn nên trang bị thêm các tip giữ ấm vào mùa đông và giữ sức khỏe thể chất lẫn tinh thần thật tốt nhé”.

Nói về định hướng tương lai, Sỹ Anh cho biết đang ấp ủ nguyện vọng học tiếp chương trình thạc sĩ tại NUT để trau dồi kiến thức chuyên ngành. Sau khi tốt nghiệp, anh chàng mong muốn được làm việc tại một công ty công nghệ Nhật Bản.

Còn Bảo Ngọc sẽ có chuyến thực tập dài hạn ở doanh nghiệp địa phương từ tháng 11 năm nay đến tháng 2 năm sau nhằm tích lũy kinh nghiệm thực tiễn trước khi bắt đầu học chương trình thạc sĩ vào tháng 4/2023.

Tìm hiểu thêm về chương trình Tăng cường Tiếng Nhật ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử tại đây.

INAKO thực hiện – Hình: BẢO NGỌC, SỸ ANH

Bài trước

Bài tiếp