Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

6 ngành kỹ thuật dự đoán chiếm lĩnh xu thế năm 2021

Hướng nghiệp luôn là một trong những chủ đề được quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Khi các bậc phụ huynh và học sinh đang phân vân nên chọn ngành, chọn nghề gì khi bước vào đại học và công việc sẽ làm trong tương lai. Trong xu thế năm 2021, một số lĩnh vực trong ngành kỹ thuật dự kiến sẽ có sự phát triển.

1. Công nghệ thông tin – dẫn đầu xu hướng hiện đại

Trong các bảng xếp hạng ngành nghề hot năm 2021, Công nghệ thông tin (CNTT) luôn đứng đầu bảng.

 Thống kê từ TopDev, trang tuyển dụng về công nghệ phần mềm, cho thấy nhu cầu nhân lực CNTT tăng nhưng thị trường lao động lĩnh vực này tại Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu hụt về cả số lượng và chất lượng. Năm 2021, số lượng nhân lực CNTT cần là 500.000 người và thiếu hụt 190.000 người.. Hơn nữa, chỉ khoảng 15% số sinh viên ra trường có thể đáp ứng được yêu cầu. Với lý do đó, CNTT sẽ dẫn đầu xu hướng trở thành ngành nghề hot nhất trong tương lai.

Cũng dễ hiểu khi biết rằng, hàng năm, Trường ĐHBK-HCM luôn có số lượng thí sinh xét tuyển vào ngành Khoa học Máy tínhKỹ thuật Máy tính – hai lĩnh vực thuộc CNTT trong hàng top. Điểm chuẩn xét tuyển vào ngành này cũng cao nhất trong các khối ngành.

Do đó, nếu các bạn yêu thích lĩnh vực máy tính phần mềm và phần cứng, thiết kế ứng dụng và game cho thiết bị di động/ trên nền web, trí tuệ nhân tạo, bảo mật và an toàn máy tính, internet vạn vật… có thể tìm hiểu thêm về ngành CNTT, robot.

Các lĩnh vực mà kỹ sư CNTT có thể làm sau khi ra trường như: thiết kế web, điện toán đám mây, hệ thống thông tin toàn cầu, tri thức quy mô lớn và nhiều lĩnh vực liên quan khác.

Ngành CNTT mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên sau khi ra trường – Hình: OISP

2. Điện, cơ khí – Làm việc đa ngành

Xã hội hiện đại không thể thiếu vắng các thiết bị điện – cơ khí, nhất là trong nền kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay. Kết quả một cuộc khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM năm 2019 cho thấy nhu cầu đối với nhóm ngành Cơ khí – luyện kim – công nghệ ô tô xe máy hiện đang đứng đầu, chiếm tỷ lệ trên 25% nhu cầu lao động.

Yêu thích khám phá và sử dụng các nguồn năng lượng mới, thích các thiết kế ô tô, đam mê với máy móc, công nghệ thì các bạn đã tìm đúng sở thích với ngành Điện – điện tử, cơ khí. Bởi vì đào tạo nhiều phân ngành nhỏ nên kỹ sư điện hay kỹ sư cơ khí có thể làm đa nhiệm các ngành nghề từ ô tô, hàng không, robot, các hệ thống làm lạnh hoặc hệ thống nhiệt, máy công nghiệp… nên hầu hết sinh viên đều tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.

Về thị trường lao động quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc… đều đang khan hiếm nguồn nhân lực và có nhiều chính sách hấp dẫn nhằm thu hút lao động, đặc biệt là các sinh viên tốt nghiệp các ngành này ở Trường ĐHBK-HCM.

Sinh viên ngành Kỹ thuật Ô tô trong giờ học thực hành – Hình: OISP

3. Xây dựng, kiến trúc – Cho những bạn đam mê thiết kế

Có thể nói, ngày nay, cơ hội để những kỹ sư, kiến trúc sư làm việc và phát triển tài năng rất lớn. Với tốc độ đô thị hóa như hiện này, từ thành phố đến nông thôn, từ vùng cao nguyên đến vùng hải đảo, bạn đều có thể kiếm được việc làm. Cụ thể, tốt nghiệp ngành Xây dựng, Kiến trúc, bạn có thể làm việc ở những vị trí như:

  • Kiến trúc sư thiết kế, thi công, giám sát các công trình kiến trúc dân dụng, công nghiệp; quy hoạch xây dựng các điểm dân cư, cao ốc, công trình đô thị và nông thôn tại các công ty tư vấn kiến trúc, các viện trực thuộc Bộ, ngành, các tổng công ty lớn của Chính phủ…
  • Chuyên gia tư vấn, cung cấp các giải pháp về kiến trúc tại các công ty kiến trúc, xây dựng
  • Tự khởi nghiệp với vai trò chủ đầu tư, thiết kế, thi công các công trình kiến trúc
  • Nghiên cứu, đào tạo tại các cơ sở giáo dục chuyên ngành.

Theo báo cáo năm 2019, hiện đang có khoảng bốn triệu lao động thuộc ngành xây dựng. Nhu cầu nhân lực tăng lên chóng mặt với khoảng 400.000 – 500.000 người/năm. Trong đó, các kỹ sư với chuyên môn kỹ thuật cao đang vô cùng thiếu thốn. Đây sẽ là cơ hội nghề nghiệp tuyệt vời cho các bạn trẻ trong tương lai.

Sinh viên Xây dựng Chất lượng cao Bách khoa tham quan tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên
Sinh viên ngành Kỹ thuật Xây dựng tham quan thực tế công trình tàu điện – Hình: OISP

4. Kỹ thuật y sinh – Chưa bao giờ lỗi thời

Khi cả thế giới trải qua một năm đầy biến động trong lĩnh vực y tế sau dịch COVID-19, cho chúng ta thấy được sự cần thiết của các chuyên ngành y tế trong đời sống hiện nay.

Kỹ thuật Y sinh là ngành có từ rất lâu tại Trường ĐHBK-HCM, đây là một ngành khoa học ứng dụng lấy kỹ thuật làm phương tiện, sinh học là cơ chế và y học là mục đích. Để có thể tiếp cận với những thiết bị kỹ thuật, phòng thí nghiệm hiện đại, Trường ĐHBK-HCM đã đầu tư trang thiết bị thực hành tiên tiến nhằm phục vụ cho việc dạy của giảng viên và học thực hành cho sinh viên.

Với cơ hội việc làm khá đa dạng, sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong các bệnh viện với vai trò là các kỹ sư lâm sàng nắm rõ nguyên tắc vận hành, bảo trì những thiết bị y tế hiện đại và cùng cộng tác với các bác sĩ trong việc điều trị bệnh cho mọi người. Ngoài ra, sinh viên có cơ hội được làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế, các cơ sở nghiên cứu và giáo dục về y học đời sống. Đặc biệt, bạn hoàn toàn có thể biến những ý tưởng, sáng tạo máy móc thành sản phẩm thương mại và bắt tay khởi nghiệp với những thiết bị đó.

Sinh viên ngành Kỹ thuật Y Sinh trong giờ học thực hành – Hình: OISP

5. Ngành Công nghệ thực phẩm – Chiến lược phát triển tương lai

Thực phẩm luôn là một nhu cầu thiết yếu của con người. Vì vậy, bất kể xu hướng công nghệ mới nhất nào được ra đời thì Công nghệ thực phẩm luôn là một ngành học đầy hứa hẹn.

Các kỹ sư ngành công nghệ thực phẩm có thể làm trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: vận hành sản xuất thực phẩm, kiểm tra chất lượng sản phẩm thực phẩm, đảm bảo chất lượng sản phẩm thực phẩm, phân tích chất lượng và an toàn thực phẩm, thiết kế sản phẩm thực phẩm, quản lý an toàn thực phẩm, phụ trách dinh dưỡng thực phẩm…Nơi làm việc của kỹ sư sau khi tốt nghiệp đa dạng bao gồm: phòng thí nghiệm của nhà máy, bộ phận vận hành – quản lý nhà máy và phân xưởng sản xuất, bộ phận đảm bảo chất lượng, phòng thí nghiệm tại các cơ quan quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, phòng thí nghiệm, đội ngũ giảng dạy của các viện – trường về thực phẩm và công nghệ sản xuất thực phẩm. Ngoài ra, kỹ sư ngành thực phẩm có thể sử dụng kiến thức để sản xuất và kinh doanh thực phẩm, nguyên – phụ liệu sản xuất thực phẩm.

Đây là ngành được Chính phủ lựa chọn là một trong những nhóm ngành công nghiệp chính ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2025, tầm nhìn 2035.

Công nghệ thực phẩm hướng đến phát triển bền vững trong tương lai – Hình: OISP

6. Logistics và quản lý chuỗi cung ứng – Ngành mới, khát nhân lực

Ngành logistics có mặt tại Việt Nam khoảng 30 năm trở lại đây với tốc độ phát triển ấn tượng. Hơn 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này và con số này dự đoán sẽ càng tăng trong thời gian tới. Thống kê của Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam, 3 năm tới, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics cần khoảng 18.000 lao động. Điều này cho thấy, tiềm năng phát triển và cơ hội việc làm dành cho những người theo học ngành logistics là rất lớn.

Trong nền kinh tế mở như hiện nay tại Việt Nam, ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong sản xuất, lưu thông và phân phối hàng hóa. Thiết kế và quản lý hệ thống Logistics và Chuỗi cung ứng hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt được kịp thời và chính xác các nhu cầu của khách hàng, thúc đẩy dòng lưu thông hàng hoá từ nhà cung cấp, nhà máy sản xuất, chế tạo, qua các kênh phân phối đến tay người tiêu dùng được thông suốt hơn; giảm thiểu chi phí, gia tăng giá trị và độ hài lòng của khách hàng.

Mục tiêu hướng đến của ngành Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng, chương trình Chất lượng cao của Trường ĐHBK-HCM là đào tạo kỹ sư chất lượng cao trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng; có kiến thức, kỹ năng, và thái độ phù hợp để phân tích, đánh giá, thiết kế, vận hành, và cải tiến các hệ thống logistics và quản lý chuỗi cung ứng, có tiếng Anh chuyên ngành vững vàng để đáp ứng nhu cầu quốc tế hóa

Tổng hợp: LINH LÊ

Bài trước

Bài tiếp