Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

Ngành Môi trường: Hiểu vạn vật qua lăng kính nhà khoa học

Môi trường là ngành học có tính đa lĩnh vực, kết nối các mảng kiến thức hóa học, sinh học, địa chất, lâm nghiệp, quản lý… Nhờ đó, người học có cái nhìn bao quát về những gì diễn ra xung quanh để đưa ra các giải pháp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Vào một ngày đẹp trời tháng Sáu năm 2021, OISP liên hệ với anh Phạm Tiến Mạnh – tốt nghiệp đời đầu chương trình Chất lượng cao (K2014) ngành Quản lý Tài nguyên & Môi trường – để lắng nghe từ anh những trải nghiệm nghề nghiệp sau hai năm tốt nghiệp. Rất bất ngờ, OISP được anh hồi đáp một cách nồng nhiệt với mong mỏi “ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm đến lĩnh vực môi trường”.

Phạm Tiến Mạnh - Ngành Môi trường: Hiểu vạn vật qua lăng kính nhà khoa học

LÝ LỊCH TRÍCH “XÉO”
Phạm Tiến Mạnh, cựu SV Bách khoa K2014 chương trình Chất lượng Quản lý Tài nguyên & Môi trường, chương trình Chất lượng cao
  • Giải Nhất OISP Presentation Contest 2014
  • Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Khối OISP 2015-2017
  • Giải Ba “Poster khoa học ấn tượng” tại Ngày hội Kỹ thuật Khoa Môi trường & Tài nguyên 2016
  • Giải “Công trình khoa học có poster ấn tượng” tại Hội nghị Nghiên cứu khoa học SV OISP 2016
  • Tình nguyện viên hỗ trợ Chương trình Trao đổi SV Newcastle University 2016 (Úc)
  • Top 50 ứng viên xuất sắc của cuộc thi SCG Young Leader Program 2016
  • Thành viên chương trình Asian Undergraduate Summit 2017 (Singapore)
  • Học bổng trao đổi Erasmus+ 2017 với Masaryk University (Séc)
  • Hiện là chuyên viên phát triển bền vững (Sustainability Development) cho Tập đoàn Nước giải khát Thái Lan (ThaiBev) và đang theo học chương trình thạc sỹ ngành Đổi mới Kinh doanh tại ĐH Bangkok (Thái Lan)
  • HIỂU ĐƯỢC NHỮNG ĐIỀU ĐANG DIỄN RA XUNG QUANH DƯỚI LĂNG KÍNH CỦA MỘT NHÀ KHOA HỌC

    Môi trường là ngành học vô cùng đa dạng. Trong bốn năm học tập ở Trường ĐH Bách khoa, bên cạnh nhiều môn chuyên ngành về xử lý ô nhiễm đất, nước, không khí, mình còn được học về biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, vi sinh vật, vi tảo… Có lẽ, nhờ những kiến thức này, mình có được cái nhìn khá tổng quát về những thứ đang diễn ra xung quanh.

    Hồi còn học năm thứ Ba, mình được thầy cô dẫn đi thực tập tham quan ở Đà Lạt. Đem thắc mắc “vì sao nước hồ Xuân Hương màu xanh nhưng không có nhiều cá” hỏi thầy, mình được biết hồ đang rơi vào hiện tượng tảo nở hoa (algal bloom). Nguyên do bắt nguồn từ những nông trại xung quanh bón phân cho cây trồng quá đà. 

    Sau khi bị rửa trôi, những dưỡng chất dư thừa sẽ chảy về hồ Xuân Hương. Đây là nguồn thức ăn dồi dào giúp vi tảo phát triển mạnh mẽ. Nếu sinh sôi quá nhanh chóng, chúng bắt đầu tiêu thụ toàn bộ khí ô-xy trong nước. Vì vậy, cá không thể sống được. Điều này tạo thành một hồ nước chết giữa thành phố Đà Lạt mộng mơ.

    Bài viết liên quan
    Gặp anh bạn “trùm” trao đổi quốc tế của OISP
    Nguyễn Ngọc Thiên Trang: Học bổng Môi trường không khó, chỉ có chịu khó săn hay không
    Lê Thiên Trọng Nguyễn: Lúc phát triển rồi mới quan tâm môi trường thì đã muộn

    TRỞ NÊN KHÁC BIỆT SO VỚI PHẦN CÒN LẠI

    Phạm Tiến Mạnh - Ngành Môi trường: Hiểu vạn vật qua lăng kính nhà khoa học
    Nhân vật chính tại Lễ Tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa 2019.

    Ngày nay, chuyện trở thành một lập trình viên, một kỹ sư điện – hóa học – cơ khí hay chuyên gia trong lĩnh vực quản lý công nghiệp, quản lý chuỗi cung ứng không còn quá hiếm có khó tìm. Hầu như mọi ĐH đều có thể đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao trong những ngành này. 

    Vậy nếu không muốn ngồi lì một chỗ để lập trình phần mềm, không thích làm việc quanh quẩn trong phạm vi nhà máy, không thích đọc các báo cáo tài chính dài ngoằng thì bạn sẽ lựa chọn nghề nghiệp nào? Có lẽ câu trả lời phù hợp nhất chính là những công việc liên quan đến lĩnh vực môi trường

    Tại sao? Đơn giản vì ngành này sẽ cung cấp cho bạn nền tảng kiến thức vững chắc trên rất nhiều lĩnh vực. Dù không đi vào chuyên sâu nhưng ngành Quản lý Tài nguyên & Môi trường sẽ chỉ cho bạn biết những điều cần học (I know what I don’t know), từ đó, bạn có thể tự học bất kỳ lĩnh vực nào bạn thích. Cơ hội nghề nghiệp của bạn chắc chắn sẽ rộng mở hơn thay vì bó hẹp trong một phạm vi nào đó.

    Mình lấy ví dụ từ cuộc thi Quản trị viên tập sự (Management Trainee), hầu như mọi tiêu chí lựa chọn vị trí kỹ thuật vận hành (operation) đều là SV đang theo học nhóm ngành kỹ thuật. Với một chút kiến thức về hóa, sinh, điện, cơ khí, quản lý, an toàn lao động, bạn sẽ dễ dàng nắm bắt bức tranh tổng thể, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp với từng vấn đề riêng biệt. 

    Kỹ năng có thể tự học nhưng tư duy (mindset) là thứ duy nhất cần được truyền dạy từ thầy sang trò. Trước đây, một nhà tuyển dụng đã hỏi mình rằng: “Tại sao chúng tôi phải chọn em trong khi những bạn trẻ khác cũng học cùng trường, cùng thầy cô, cùng bài giảng với em?”. Câu trả lời chính là mindset của mình khác biệt. Mình có khả năng giải quyết vấn đề ổn thỏa sao cho tất cả các bên đều có lợi. Vậy mình đã học mindset ấy ở đâu? Đó cũng chính là bài học quý giá từ những thầy cô giảng dạy các môn chuyên ngành của Khoa Môi trường & Tài nguyên, Trường ĐH Bách khoa.

    NHIỀU CƠ HỘI GIÀNH ĐƯỢC NHỮNG HỌC BỔNG DANH GIÁ

    Trên thế giới, nhóm ngành Môi trường rất được quan tâm và phát triển rộng rãi. Các ĐH và viện nghiên cứu ở châu Âu cung cấp nhiều suất học bổng trao đổi cho SV Bách khoa thông qua dự án Erasmus. Để nhận lấy học bổng này, bạn phải viết một bài luận giải thích vì sao mình xứng đáng được chọn. Có thể nói, viết về những ý tưởng phát triển kinh tế, đổi mới sáng tạo kết hợp bảo vệ môi trường là chủ đề bất tận và vô cùng thuyết phục. 

    Pham Tien Manh Erasmus Plus Bach Khoa OISP 03
    Phạm Tiến Mạnh (bìa phải) tham gia chương trình trao đổi Erasmus+ (châu Âu) từ 9/2017 đến 2/2018. 

    Khi đạt được học bổng này, bạn có cơ hội giao lưu, gặp gỡ và làm việc với nhiều chuyên gia quốc tế hàng đầu về các vấn đề môi trường. Đây là dịp tốt để bạn mở mang tầm mắt, mở rộng thế giới quan và tích lũy kinh nghiệm quý báu. Còn gì tuyệt vời hơn khi trải nghiệm sáu tháng sinh sống và học tập tại châu Âu và được hỗ trợ toàn bộ chi phí?

    Không chỉ dừng lại ở đó, sau khi tốt nghiệp, SV nhóm ngành Quản lý Tài nguyên & Môi trường cũng như Kỹ thuật Môi trường còn có thể tiếp cận với nhiều học bổng du học Đức, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… Các vị giáo sư đầu ngành sẵn sàng tài trợ học phí và sinh hoạt phí để bạn làm cộng tác viên của họ. Có thể nói, SV nhóm ngành Môi trường có thể lấy bằng tiến sỹ trước năm 30 tuổi nếu đặt mục tiêu ngay từ đầu.

    TRIỂN VỌNG NGHỀ NGHIỆP RỘNG MỞ

    Khi ra trường, với vô vàn lựa chọn, bạn có thể trở thành chuyên viên tư vấn cho các công ty/ tập đoàn lớn liên quan đến các vấn đề môi trường (ERM), chuyên gia trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế (World Bank, United Nation), chuyên viên an toàn lao động cho những công ty nước ngoài (Bosch, Intel), chuyên viên Phát triển Bền vững cho các tập đoàn lớn (Thaibev, Nestle, Pepsi) hay giảng viên, nhà nghiên cứu. 

    Có rất nhiều cơ hội việc làm với phúc lợi cao, lộ trình thăng tiến rõ ràng dành cho các tân SV nhóm ngành Môi Trường. Theo mình, trong cuộc sống, đôi khi, chúng ta nên lựa chọn một con đường khác với số đông, vì biết đâu đó lại có những cơ hội bất ngờ đang chờ đón ta.

    Bài, hình: PHẠM TIẾN MẠNH

    Đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao của lĩnh vực môi trường tại Việt Nam và trên thế giới, từ 2014, Trường ĐH Bách khoa triển khai chương trình Chất lượng cao (giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh) ngành Quản lý Tài nguyên & Môi trườngKỹ thuật Môi trường (mã trường: QSB, mã ngành: 225). Nếu yêu thích lĩnh vực thú vị này cũng như mong muốn làm việc trong các công ty/ tập đoàn đa quốc gia liên quan đến môi trường, bạn hãy cân nhắc lựa chọn một trong hai chương trình này nhé!

    LIÊN HỆ TƯ VẤN
    Văn phòng Đào tạo Quốc tế (OISP) – Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM)
    ⓐ Kiosk OISP, Trường ĐHBK, 268 Lý Thường Kiệt, Q.10
    ⓟ (028) 7300.4183 – 03.9798.9798
    ⓔ tuvan@oisp.edu.vn

    Bài viết liên quan
    Kỹ sư môi trường – Lựa chọn nghề nghiệp “đi trước đón đầu” trong thời đại mới
    Thời đại “cô-vít”, càng kích thích vai trò của kỹ sư môi trường
    Bạn biết gì về ngành Môi trường tại Bách khoa?
    Nên chọn Quản lý Tài nguyên Môi trường hay Kỹ thuật Môi trường

    Bài trước

    Bài tiếp