Đoàn Vũ Toàn: Học xây dựng xong, em sẽ tiếp tục con đường bóng rổ

Doan-Vu-Toan Griffith 01“Nghe có vẻ vô lý, nhưng đó chính là một trong hai định hướng sau này của em sau khi ra trường… Vì em vẫn còn trẻ, và em biết các đội tuyển bóng rổ ở Việt Nam cần người như em…”

“Nghe có vẻ vô lý, nhưng đó chính là một trong hai định hướng sau này của em sau khi ra trường… Vì em vẫn còn trẻ, và em biết các đội tuyển bóng rổ ở Việt Nam cần người như em…”

Cuộc chuyện trò rôm rả suốt hơn hai tiếng đồng hồ với Đoàn Vũ Toàn – sinh viên K10 chương trình Liên kết Quốc tế ngành Xây dựng của Đại học (ĐH) Bách Khoa TP.HCM với ĐH Griffith (Úc), đem đến cho người viết nhiều cung bậc cảm xúc. Từ “à” tới “ố”, mỗi “mảnh” tự sự từ Toàn đã vẽ nên một bức chân dung đa dạng về bản thân và hành trình theo đuổi ước mơ đáng suy ngẫm.

Doan-Vu-Toan Griffith 07a

Đoàn Vũ Toàn, sinh viên K10 chương trình Liên kết Quốc tế ngành Xây dựng của Đại học (ĐH) Bách Khoa TP.HCM với ĐH Griffith (Úc). – Đồ họa: NGÂN PHẠM

Cao ráo, đẹp trai, con nhà khá giả, là hot boy Bách Khoa Quốc tế khóa 2010, Đoàn Vũ Toàn tất nhiên không kể chúng ta câu chuyện “vượt khó học giỏi” điển hình, mà là quá trình lựa chọn con đường thực hiện ước mơ.

Thích bóng rổ từ năm cấp hai, nhưng lúc đó Quảng Ngãi (quê Toàn) chưa có phong trào bóng rổ nên mãi đến năm lớp 11 – khi chuyển vào TP.HCM học, Toàn mới bắt đầu đi tập với đội tuyển của trường. Anh chàng “dài” 1,94 thước này còn từng là thành viên đội tuyển bóng rổ quốc gia tham dự SEA Games 26 (2011) tại Indonesia.

Gắn bó và muốn theo đuổi con đường chơi bóng rổ chuyên nghiệp, nhưng vì ý nguyện gia đình nên Toàn đã quyết định dừng đam mê ấy để chuyển sang học ngành Xây dựng. Nhưng, không ai biết được chữ ngờ. Sau khi gần hoàn tất chương trình học thì khao khát muốn trở lại sàn đấu chuyên nghiệp lại trỗi dậy mạnh mẽ trong Toàn hơn lúc nào hết…

“Nói chung, kiếp trước em làm ơn với ai nên kiếp này mới được như thế, mọi nền tảng đã có sẵn, không phải lo cơm áo gạo tiền, đó là cái may mắn của em. Người khác có đam mê nhưng chưa chắc họ có thời gian và cơ hội như em để mà đắn đo suy nghĩ. Phần còn lại chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của chính em thôi.” – Toàn chia sẻ.

>> Dấu ấn OISP tại SEA Gamed 26

* Gia đình có điều kiện, em quá thuận lợi để theo đuổi đam mê bóng rổ mà không phải đắn đo chuyện tiền bạc. Vì sao em lại cắt ngang niềm đam mê ấy để theo học Xây dựng?

– Mong muốn và đam mê của em là bóng rổ, nhưng vào thời điểm đó, bóng rổ Việt Nam chưa phát triển, vui chơi ở cấp ba thì không sao, nhưng chơi ở cấp chuyên nghiệp thì đồng lương vận động viên rất eo hẹp.

Em không hẳn là thích ngành Xây dựng, thời điểm đó em cũng chưa hình dung được những gì mình phải làm khi chọn học ngành này. Sau đó em đi kiểm tra thử định hướng nghề nghiệp ở ĐH Bách Khoa TP.HCM thì thấy mình có vẻ phù hợp với ngành Xây dựng. Một điều may mắn nữa là, ba em và nhiều người trong gia đình làm trong ngành Xây dựng nên mọi người khuyến khích em nên theo học ngành này. Sau này tốt nghiệp xong nếu muốn tiếp tục chơi bóng rổ vẫn được, khi hết tuổi vận động viên vẫn có thể kiếm một công việc đàng hoàng mà làm.

Tới giờ, em vẫn đang cố gắng cân bằng cả hai. Với em, bóng rổ vẫn là số một! Nhưng điều đó không có nghĩa là vì bóng rổ mà bỏ tất cả. Em vẫn đang nỗ lực theo học cho hết chương trình ĐH để bảo đảm tương lai của mình. Bên cạnh đó, em vẫn tham gia chơi bóng rổ với đội tuyển trường, đó cũng là một cách để kết bạn và luyện tiếng Anh hiệu quả.

“Bóng rổ vẫn là số một! Nhưng điều đó không có nghĩa là vì bóng rổ mà bỏ tất cả.”

* Đang ở năm cuối của chương trình học tại ĐH Griffith, em có dự tính nghề nghiệp gì sau khi ra trường?

– Hiện em có hai định hướng. Một là học xong xin visa ở lại Úc làm việc, sau một năm thì học lên master rồi đi làm tiếp – đó là con đường bình thường. Hai là về Việt Nam tiếp tục sự nghiệp bóng rổ, vì em vẫn còn trẻ và em biết các đội tuyển Việt Nam vẫn cần người như em.

* Học Xây dựng bốn năm rưỡi để rồi tiếp tục con đường bóng rổ chuyên nghiệp. Em không đùa chứ?

– Vâng, nghe có vẻ vô lý, nhưng đó chính là một trong hai định hướng sau này của em sau khi ra trường. Gia đình em không phản đối, dù rằng cũng không quá ủng hộ. Vì như chị nói, học Xây dựng bốn năm, trong đó hai năm tại Úc, tốn bao nhiêu tiền của cha mẹ, sao lại về Việt Nam chỉ để chơi bóng rổ. Tuổi vận động viên không dài, cuộc sống vận động viên ở Việt Nam cũng không phải dư dả. Nhưng mà em vẫn luôn quan niệm “tuổi trẻ chỉ có một lần”, và “we only regret the chance we didn’t take”.

* Sao em không chơi ở Úc – quốc gia có nền thể thao phát triển và cũng có nhiều học bổng tài năng cho các vận động viên?

– Vì em đã quá tuổi để phát triển ở các nước này. Nếu muốn các học bổng dạng đó và có cơ hội phát triển thì em phải sang đó từ năm cấp hai, ba. Học tập và chơi thể thao ở đó, người ta mới thấy tiềm năng để đưa mình lên cao hơn. Chú em mới qua Úc được hơn một năm, tìm đâu ra các mới quan hệ với các đội tuyển và ông bầu để phát triển?

Nên nếu muốn chơi bóng rổ thì chỉ có con đường về Việt Nam thôi. Hơn nữa, tấm bằng Kỹ sư Xây dựng không phải là vô dụng. Em không lo lắm về vấn đề chuyên môn vì đã có gia đình làm cố vấn chuyên môn (cười). Tuổi vận động viên không dài, tới năm 30 tuổi em vẫn có thể làm kỹ sư được mà, có thể xuất phát chậm hơn bạn bè một tí. Nhưng cái em đạt được là sự theo đuổi đam mê.

Chưa hẳn nếu em theo bóng rổ thì con đường của em sẽ tối tăm hơn Xây dựng. Con đường mới sẽ mở ra những cơ hội mới, em có thể phát triển các mối quan hệ xã hội khác, và có thể, sẽ là cánh cửa dẫn đến thành công (dù cái này vẫn còn xa lắm).

>> Tết Trung Thu tại Gold Coast: đầm ấm, vui nhộn

Doan-Vu-Toan Griffith 11

Một bài tập dự án của Toàn mang tên Longshore sediment transport rate, dùng để đo tốc độ lưu chuyển của các lớp địa chất dọc bờ biển, từ đó đưa ra các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực do sạt lở bờ biển.

* Vậy người đầu tiên mà em phải biết ơn chính là cha mẹ em đó! Hai con người vĩ đại đã cho em một nền tảng tốt, luôn tạo điều kiện tối đa cho em thực hiện mơ ước của mình.

– Vâng, em vẫn luôn như thế. Đó là lý do tại sao em thi ĐH Bách Khoa. Một điều may mắn nữa là em được qua học bên này (Úc), kiến thức học được thì không nói, nhưng kỹ năng và tư tưởng thì cực kỳ hữu ích. Cái câu “we only regret the chance we didn’t take” em biết từ lâu nhưng khi qua bên này em mới thật sự “thấm” và đưa ra quyết định theo đuổi đam mê.

* Em nhận định thế nào về chất lượng đào tạo của học kỳ Pre-University?

– Em nghĩ cần nâng chuẩn tiếng Anh lên, vì IELTS 6.0 qua đây thực sự là không đủ, thậm chí 6.5 còn hơi thiếu nữa là. Kế nữa, cần áp dụng tiếng Anh vào bài thuyết trình đề tài xã hội và dự án cộng đồng. Tại sao học chuyên môn bằng tiếng Anh, lúc chuyển tiếp cũng học bằng tiếng Anh, nhưng khi học Pre-University lại cho làm bằng tiếng Việt? Nhiều người qua đây mà kỹ năng thuyết trình vẫn cực tệ, một phần do tiếng Anh yếu.

Ngoài ra, OISP cần thúc đẩy sự tự tin của sinh viên lên. Vì một số sinh viên Bách Khoa Quốc tế khi qua đây rất ít khi giao tiếp với người nước ngoài, thường là tập trung ở chung một nhà, học cũng học chung, làm gì cũng chung, thành thử yếu về kỹ năng xã hội lắm. Học hai năm trời tốt nghiệp ra đứa nào có bạn nước ngoài nào em… chết liền!

>> Brisbane không buồn


Khi còn học tại ĐH Bách Khoa TP.HCM. Không khó để nhận ra Đoàn Vũ Toàn trong tấm hình này, chính là anh chàng cao kều nhứt nhóm chớ ai! Laughing

* Trường hợp này, bóng rổ đã tạo môi trường cho em học hỏi, kết bạn, giao lưu văn hóa?

– Đúng vậy. Em có những người bạn đầu tiên từ sân bóng rổ. Đến học kỳ thứ hai (bên Úc) em mới tham gia các hoạt động xã hội và quen biết thêm.

* Còn học kỳ đầu?

– Em bị… tự kỳ. Lúc đầu em qua chưa quen nên không có bạn, cũng chưa tự tin giao tiếp với người nước ngoài nên ở trong nhà suốt. Học kỳ đầu, em chỉ đi học rồi về làm bài, chỉ trông cho học xong về nước cho rồi. Sau kỳ nghỉ về Việt Nam, em trở lại Úc và make-up lại tư tưởng: không thể sống như vầy nữa, chắc chưa tốt nghiệp đã bị… điên rồi. Nên em mới tìm và tham gia các hoạt động của trường tổ chức cho sinh viên mới.

Thời gian đầu, em vẫn chưa tự tin với tiếng Anh của mình. Nhưng vào thấy ai cũng như mình nên hòa nhập dễ hơn. Tuần nào cũng vậy, em tham gia đều đặn. Chỉ sau vài lần là em đã có bạn add facebook, rồi đi ăn các kiểu.

Sau đó, cuối học kỳ, trường có một đợt tuyển sinh viên tình nguyện cho tổ chức Griffith Mates. Vào đây, bọn em “mần” đủ thứ, hầu như cái gì cũng nhúng tay vào, từ các sự kiện lớn mô toàn thành phố đến các sự kiện nhỏ trong trường. Điển hình là Orientation Week (Tuần lễ Định hướng) mỗi đầu học kỳ dành cho tân sinh viên. Rồi The Amazing Race, một dạng đua giải mật mã hoặc chinh phục thử thách, v.v… Nói chung tất cả những công việc nào liên quan tới giúp đỡ sinh viên đều do Griffith Mates làm hết.

>> Trò chuyện cùng “osin cấp cao” Huỳnh Nhật Hoàng


Toàn (ngồi hàng dưới, ngoài cùng bên trái) và nhóm sinh viên Griffth Mates trong đợt tham gia tổ chức Orientation Week.

* Đâu là khác biệt đáng kể giữa môi trường học tập tại Úc với Việt Nam?

No-cheating. Không được gian lận trong thi cử. Trường có chương trình submit bài online để check xem bài có giống nhau hay copy ở đâu không. Bất kỳ gian lận nào trong thi cử nếu bị phát hiện, nhẹ thì sinh viên bị trừ điểm, nặng thì bị đuổi về nước luôn. Không khí thi cử ở đây rất gắt và nặng. Việt Nam mình toàn nộp bằng giấy nên chả ai check được cái đó.

* Giá trị sâu sắc nhứt mà em học được từ môi trường này?

– Sự tự tin và khẳng định mình. Bỏ qua những điều mà người ta nói, tự tin theo đuổi cái mình muốn, khẳng định bản thân. Em nghĩ đó là cái giá trị lớn nhứt mà em học được

* Kết quả học tập của em tính đến thời điểm này là thế nào rồi, em có hài lòng không?

– Điểm GPA của em hiện giờ là 5/7 (Úc tính theo thang điểm 7). Nếu quy ra thang 10 thì tầm 7 điểm. Không tệ. Nhưng nếu so với nhiều sinh viên Việt Nam hay châu Á khác thì em vẫn còn “bèo”, vì qua đây ai nào cũng muốn D với HD cả (tức 6/7 hoặc 7/7).

* Cảm ơn Toàn vì cuộc trò chuyện rất thú vị! Chúc em gặt hái được nhiều thành công trong học tập lẫn sự nghiệp bóng rổ.

ANH CHÀNG “DÀI THOÒNG”

–        Tên cúng cơm: Đoàn Vũ Toàn

–        Ngày sinh: 20/9/1992

–        Sinh viên OISP K10 ngành Xây dựng (Civil Engineering)

–        Chuyển tiếp sang ĐH Griffith vào tháng 2/2013

Doan-Vu-Toan Griffith 07Giờ chào cờ đầu tuần, cả trường THPT Hùng Vương (Q.5) tập trung dưới sân, có một cái đầu “nhú” lên nổi bật giữa đám đông. Đó là Đoàn Vũ Toàn (lớp 12A27) – anh chàng sở hữu chiều cao 1,94 mét. Cười lém lỉnh, Toàn đùa: “Tớ tuy không đẹp, nhưng ai cũng phải… ngước nhìn. Hì hì!”. Thừa hưởng gen di truyền từ ba mẹ (mẹ cao 1,65 mét, ba cao 1,7 mét), nên mới lớp 5, anh chàng đã cao ngót nghét 1,6 mét.

Những năm tiếp theo, trung bình mỗi cái Tết trôi qua, Toàn lại “giãn” ra thêm khoảng 10 cm. Anh chàng “bật mí”: “Tớ dài thoòng một phần cũng nhờ chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập thể dục thường xuyên”. Thật “hú hồn” khi biết rằng suốt thời gian từ khi học mẫu giáo đến hết cấp tiểu học, mỗi tuần Toàn “thanh toán” một thùng sữa 60 hộp.

Song song đó, Toàn còn chơi… 1001 loại bóng: bóng bàn, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ… Riêng với môn bóng rổ, trong đội tuyển trẻ TP.HCM, Toàn không chỉ nổi bật với chiều cao kỷ lục mà còn về khả năng tung hoành trên sân đấu.

Những dịp dọn dẹp nhà cửa, phòng học, anh chàng luôn đảm nhiệm việc lau quạt trần, quét bụi trần nhà, chùi rửa nóc tủ… Mẹ Toàn bán mỹ phẩm, kệ hàng cao quá 1,7 mét cũng do một tay anh chàng sắp xếp, trình bày. Hì hì, người cao quả là lợi hại!

Theo Mực Tím

Ngắm thêm một số hình ảnh cực cool của Đoàn Vũ Toàn nhé! Evil

Cu cậu (giữa) khi còn bé tí. Mấy ai ngờ được sau này chàng ta nhổ giò cao nhanh ghê gớm. Embarassed 

Doan-Vu-Toan Griffith 06

Quá ngầu trên sàn đấu Griffith! Cool

 Năng nổ trong hoạt động ngoại khóa của trường ĐH Griffith. 

 Vậy rốt cuộc, ai là người ngoài hành tinh đây? Eek

THI CA thực hiện

Ảnh: nhân vật cung cấp

Bài trước

Bài tiếp