Kết quả vừa được ASEAN University Network (gọi tắt là AUN, đơn vị đánh giá và khởi xướng bộ tiêu chuẩn AUN-QA) công bố hôm 9/12/2015.
Kết quả vừa được ASEAN University Network (gọi tắt là AUN, đơn vị đánh giá và khởi xướng bộ tiêu chuẩn AUN-QA) công bố hôm 9/12/2015.
Đoàn đánh giá AUN trong đợt khảo sát tại Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM vào tháng 9/2015.
Đây là kết quả từ đợt khảo sát đánh giá của đoàn AUN tại ĐH Bách Khoa TP.HCM trong các ngày 21 – 23/9/2015, dựa trên 15 tiêu chí (phần màu xanh là tiêu chí được đánh giá cao nhất).
- Kết quả đầu ra kỳ vọng (Expected Learning Outcomes)
- Đặc điểm chương trình (Program Specification)
- Cấu trúc và nội dung chương trình (Programe Structure and Content)
- Chiến lược giảng dạy và học tập (Teaching and Learning Strategy)
- Đánh giá sinh viên (Student Assessment)
- Chất lượng đội ngũ giảng viên (Academic Staff Quality)
- Chất lượng đội ngũ hỗ trợ (Support Staff Quality)
- Chất lượng sinh viên (Student Quality)
- Tư vấn và hỗ trợ sinh viên (Student Advice and Support)
- Cơ sở vật chất và trang thiết bị (Facilities and Infrastructure)
- Đảm bảo chất lượng quá trình giảng dạy và học tập (Quality Assurance of Teaching and Learning Process)
- Các hoạt động phát triển đội ngũ (Staff Development Activities)
- Phản hồi từ các bên liên quan (Stakeholders Feedback)
- Đầu ra (Output)
- Sự hài lòng của các bên liên quan (Stakeholders Satisfaction)
AUN-QA là chuẩn kiểm định quốc tế uy tín dành cho giáo dục bậc đại học. – Ảnh: aunsec.org
Theo báo cáo, AUN đánh giá cao các tiêu chí như: chất lượng đội ngũ giảng dạy (Khoa Điện – Điện tử hiện có 15 giáo sư, 21 tiến sĩ; phân phối tải lượng giảng dạy phù hợp với từng giảng viên…); đội ngũ chuyên viên học vụ (được đào tạo bài bản); hệ thống dịch vụ và hỗ trợ sinh viên (chu đáo); quy trình tuyển sinh (được hệ thống hóa chính xác, nhằm tuyển lựa đúng đối tượng có nhu cầu và khả năng học tập bằng tiếng Anh); sự hài lòng của các nhà tuyển dụng…
Bên cạnh đó, AUN cũng chỉ ra một số điểm chưa hoàn thiện và đưa ra hướng gợi ý cho nhà trường như: giảm tải khối lượng học tập của học kỳ thứ 8 (năm thứ 4) để sinh viên tập trung vào đồ án tốt nghiệp; giải quyết căn cơ tình trạng sinh viên tốt nghiệp trễ hạn và (bị buộc) thôi học còn chiếm tỉ lệ đáng kể…
Với kết quả này, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM tiếp tục là đơn vị có nhiều chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn AUN-QA nhất trên cả nước cũng như khối ĐH Quốc gia TP.HCM, bao gồm 7 chương trình:
- Chương trình Tiên tiến – ngành Điện – Điện tử (Khoa Điện – Điện tử, Văn phòng Đào tạo Quốc tế, 2015)
- Chương trình Quản lý Công nghiệp (Khoa Quản lý Công nghiệp, 2014)
- Chương trình Kỹ thuật Điều khiển & Tự động hóa (Khoa Điện – Điện tử, 2014)
- Chương trình Kỹ thuật Hóa học (Khoa Kỹ thuật Hóa học, 2013)
- Chương trình Xây dựng Dân dụng & Công nghiệp (Khoa Kỹ thuật Xây dựng, 2013)
- Chương trình Kỹ thuật Chế tạo (Khoa Cơ khí, 2011)
- Chương trình Điện tử – Viễn thông (Khoa Điện – Điện tử, 2009)
Để có được kết quả này, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM nói chung và các đơn vị có liên quan như Khoa Điện – Điện tử và Văn phòng Đào tạo Quốc tế (OISP) đã không ngừng cải tiến chất lượng đào tạo – dịch vụ, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên – sinh viên, hoàn thiện cơ sở vật chất, chuẩn hóa đầu ra…
► Xem chi tiết kết quả đánh giá của AUN (tải về)
Với mục đích phát triển nguồn nhân lực thông qua giáo dục ĐH trong khu vực ASEAN, năm 1995, Mạng lưới các trường ĐH khu vực Đông Nam Á (ASEAN University Network – AUN) đã được thành lập. Nhằm đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng các trường ĐH trong khu vực, AUN đã đưa ra sáng kiến đánh giá chất lượng giáo dục ĐH theo những tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chung của khu vực ASEAN, gọi chung là AUN-QA (ASEAN University Network – Quality Assurance). Đây cũng là cách mà AUN nâng cao sự tin tưởng lẫn nhau về chất lượng đào tạo giữa các trường trong khu vực cũng như với các trường ĐH đối tác trên thế giới, từng bước góp phần nâng cao vị thế giáo dục ĐH của các nước Đông Nam Á, tiến tới hội nhập về chất lượng giáo dục với các nước tiên tiến trên thế giới. |
Chương trình chính quy Tiên tiến là dự án quốc gia của Bộ Giáo dục & Đào tạo nhằm xây dựng 10 ngành đào tạo chất lượng cao theo chương trình của các trường ĐH danh tiếng trên thế giới, áp dụng cho các trường ĐH trọng điểm tại Việt Nam. Tại ĐH Bách Khoa TP.HCM, chương trình Tiên tiến đang được triển khai cho ngành Điện – Điện tử. Nội dung được chuyển giao toàn bộ từ chương trình đào tạo ngành Điện – Điện tử đang vận hành tại Khoa Kỹ thuật Điện và Máy tính của University of Illinois at Urbana-Champaign (UIUC) – top 11 trường ĐH công lập tốt nhất nước Mỹ (theo U.S. News & World Report 2015). Chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, do các giảng viên giỏi của ĐH Bách Khoa TP.HCM và UIUC trực tiếp đứng lớp. Sinh viên được chọn 1 trong 3 chuyên ngành vào cuối năm thứ III bao gồm: Hệ thống năng lượng, Hệ thống thông tin, Điều khiển tự động hóa. Sau khi hoàn tất chương trình học 4 năm tại ĐH Bách Khoa TP.HCM, sinh viên được Trường cấp bằng chính quy Kỹ sư Điện – Điện tử chương trình Tiên tiến. Đặc biệt, sau 2 năm học đầu tiên tại ĐH Bách Khoa TP.HCM, sinh viên nếu có nguyện vọng và đạt yêu cầu về học lực, trình độ tiếng Anh, điều kiện tài chính… có thể chuyển tiếp sang một trong các trường ĐH đối tác uy tín sau để học tập và nhận bằng kỹ sư do các trường này cấp: University of Illinois at Urbana-Champaign (Mỹ), The Catholic University of America (Mỹ), Rutgers University (Mỹ), The University of Queensland (Úc), Macquarie University (Úc). |
Bài, ảnh: THI CA