Đào tạo tiến sĩ (TS) tại Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực toán và khoa học, lâu nay đã nhận được sự nể trọng của quốc tế và Nga được xem là một trong những nước đào tạo TS tốt nhất trên thế giới trong hai lĩnh vực này.
TT – Đào tạo tiến sĩ (TS) tại Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực toán và khoa học, lâu nay đã nhận được sự nể trọng của quốc tế và Nga được xem là một trong những nước đào tạo TS tốt nhất trên thế giới trong hai lĩnh vực này.
Thế nhưng, tình hình đã thay đổi một cách căn bản trong khoảng hai thập niên trở lại đây và hiện nay thế giới đang nghi ngờ về chất lượng đào tạo bậc học cao nhất này của Nga. Vì sao?
Công trình nghiên cứu của Ararat Osipian thuộc Đại học Vanderbilt (Mỹ) có tựa đề “Corruption in Russia’s doctoral education” (Tham nhũng trong đào tạo TS tại Nga) công bố cho thấy lý do chính là nạn tham nhũng đã xuất hiện tràn lan trong bậc đào tạo này khiến việc cấp phát bằng cấp ở bậc đào tạo này trở nên dễ dãi, do vậy chất lượng của luận án không còn được đảm bảo như trước.
Luận án: nở rộ như nấm sau mưa!
Việc đào tạo bậc TS của Nga hiện vẫn duy trì cấp đào tạo kandidat nauk (phó TS theo cách dịch của Việt Nam) và doktor nauk (TS). Đối với bậc PTS, luận án được yêu cầu là phải mang lại “một đóng góp quan trọng” cho hiểu biết ở một lĩnh vực khoa học đặc thù nào đó; còn với bậc TS, luận án phải mang lại “một đóng góp lớn trong giải quyết một vấn đề lý thuyết nào đó ở một lĩnh vực khoa học và buộc phải có khả năng ứng dụng và phải có khả năng lấp đầy một khoảng trống hiểu biết nào đó trong lĩnh vực nghiên cứu”.
Thế nhưng trong những năm gần đây, những đòi hỏi này đã bị lờ đi trong đào tạo. Chẳng hạn, nhiều luận án đã bị phát hiện là đạo văn ở nhiều mức độ khác nhau và rất nhiều người được cấp bằng nhưng không phải là người trực tiếp viết luận án mà thuê người khác viết! Chính vì vậy, người ta đang chứng kiến hiện tượng “lạm phát” bằng PTS, TS tại quốc gia này. Cụ thể: năm 2005 có tới 35.000 luận án được bảo vệ, trong đó có 30.000 luận án PTS và 5.000 luận án TS.
Trong giai đoạn từ 1993-2005, số bằng PTS được cấp phát trong nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau đã tăng từ 15.679 lên đến 30.116; trong đó riêng số bằng PTS thuộc lĩnh vực khoa học xã hội – nhân văn đã tăng gấp bốn lần, từ 4.362 lên 15.981. Theo Alexandr Visly – trưởng phòng công nghệ thông tin thuộc Thư viện quốc gia Nga, chỉ riêng năm 2005 Thư viện quốc gia Nga đã nhận tổng cộng 31.000 luận án, một con số kỷ lục từ trước tới nay.
Mỗi bằng cấp đều có giá khác nhau
Ở Nga hiện đã hình thành một lớp người chuyên viết luận án để kinh doanh và sự tồn tại của thị trường chợ đen chuyên buôn bán luận án này không còn là “bí mật quốc gia” nữa. Lý do lại không mấy khó hiểu: giới quan chức nhà nước, các chính trị gia, giới doanh nhân giàu có đang xem việc sở hữu bằng PTS, TS là một thứ mốt thời thượng.
Chính vì vậy, chuyện sở hữu loại bằng cấp cao nhất trong đào tạo nơi giới chính trị gia Nga là điều đang trở nên rất bình thường. Theo các con số thống kê chính thức, trong số 450 đại biểu thuộc Duma quốc gia Nga có đến 228 người sở hữu bằng PTS, TS, trong đó riêng bằng PTS là 143 và bằng TS là 85. Trớ trêu là Duma quốc gia Nga lại là nơi tập hợp rất nhiều tỉ phú và được xem là quốc hội giàu nhất thế giới.
Do luận án PTS, TS là một sản phẩm có thể mua và bán, mỗi giai đoạn trong quy trình làm luận án PTS hay TS đều được định giá một cách riêng lẻ và rất cụ thể. Theo thị trường giá cả năm 2006, những bài viết trước khi ra bảo vệ luận án (ứng viên phải có đủ số lượng bài viết đăng trên các tạp chí mới được ra bảo vệ luận án) có giá 150 USD/bài, giá thư mục tham khảo của luận án là 300 USD, giá của phần phân tích thực nghiệm, tùy theo mức độ phức tạp từ 300-1.000 USD.
Còn giá của bằng PTS và TS khác nhau, theo đó giá của bằng TS khoảng 50.000 USD tùy theo lĩnh vực và trường mà ứng viên sẽ bảo vệ. Chính vì vậy, có người đã nói việc chi trả cho luận án đang trở thành một thứ “văn hóa” thị trường khi ở đó mọi thứ đều có thể mua và bán.
Các con số cũng cho thấy giới chính trị gia, quan chức nhà nước thường không thích lấy bằng PTS hay TS thuộc các lĩnh vực toán, vật lý hay các khoa học tự nhiên khác. Có ba lý do để giải thích việc này: một là, việc lấy bằng trong các ngành khoa học xã hội – nhân văn đem lại uy tín nhiều hơn; hai là, ai cũng nghĩ rằng ít ra mình cũng biết một chút gì đó về kinh tế, chính trị, xã hội học hoặc triết học và ba là, việc lấy bằng trong lĩnh vực toán, vật lý hay hóa học sẽ không thuận lợi cho con đường thăng quan tiến chức bằng các ngành khoa học xã hội – nhân văn.
Nói chung, những bất cập như vậy trong đào tạo bậc cao tại Nga đã và đang gây ra những hậu quả như làm giảm lòng tin của quốc tế vào chất lượng đào tạo của quốc gia, cản trở đà phát triển kinh tế của đất nước và làm xói mòn lòng tin của người dân vào công lý và sự cố kết của quốc gia.
LÊ MINH TIẾN
Theo Tuoitre Online