Tư vấn tuyển sinh: (028) 7301.4183 – 03.9798.9798
dtqt_tuvan@hcmut.edu.vn

17 thành tích nổi bật của sinh viên Bách khoa Quốc tế năm 2020-2021

Suốt hai năm qua, dù tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, sinh viên Bách khoa Quốc tế vẫn tích cực nghiên cứu khoa học, tham gia tranh tài và đạt được thành tích xuất sắc ở nhiều cuộc thi khoa học công nghệ uy tín. Cùng OISP điểm danh 15 thành tích nổi bật nhất của sinh viên Bách khoa Quốc tế năm 2020-2021 nhé!

Top 10 Solution Challenge 2020 của Google

Tháng 7/2020, với ứng dụng Shareapy, nhóm bốn sinh viên chương trình Chất lượng cao ngành Quản lý Công nghiệp, chương trình Tài năng ngành Khoa học Máy tính và chương trình Đại trà ngành Khoa học Máy tính đã xuất sắc trở thành một trong 10 đội chiến thắng Solution Challenge 2020 trên toàn thế giới.

Shareapy là ứng dụng cộng đồng mang tính tương tác một chiều, nơi người dùng bất kể giới tính, tôn giáo, tuổi tác, tình trạng tài chính… có thể xoa dịu căng thẳng và giải tỏa cảm xúc một cách riêng tư hoặc công khai mà không cần lo lắng bị cười chê hay phân biệt đối xử.

► Tìm hiểu chi tiết về dự án thú vị này tại đây

Giải Nhất Liên hoan Tuổi trẻ Sáng tạo TP.HCM 2020

Air mask là dự án “Hệ thống lọc không khí trong xe buýt và xe ô-tô” do nhóm sinh viên chương trình Chất lượng cao, Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) phối hợp triển khai với các sinh viên Đại học RMIT. Để loại bỏ bụi mịn (PM10, PM2.5) và những chất ô nhiễm trong không khí, nhóm đã ứng dụng công nghệ tiếp xúc tác quang TiO2 kết hợp tia UV trong quá trình chế tạo máy lọc không khí. 

Với sự kết hợp độc đáo của hai công nghệ trên, máy lọc không khí Air mask hoàn toàn khác biệt so với những dòng sản phẩm hiện có trên thị trường. Không chỉ dừng lại ở đó, chiếc máy này còn giúp loại bỏ mùi hôi khó chịu và xử lý những loại khói bụi ô nhiễm do các phương tiện giao thông thải ra.

Sau khi “chinh phục” giải Quán quân cuộc thi Bach Khoa Innovation 2020, nhóm tiếp tục tham gia nhiều “đấu trường” khác nhau và giành được giải Ba cuộc thi Sinh viên với Sở hữu trí tuệ 2020. Đặc biệt, vào ngày 22/12/2020, dự án một lần nữa nhận giải Khuyến khích cuộc thi SV-STARTUP 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Hiện tại, các bạn đang cải tiến sản phẩm và đăng ký tranh tài ở một số cuộc thi quốc tế.

► Thông tin chi tiết về dự án tại đây.

Giải Nhì Bach Khoa Innovation 2020 

Sản phẩm kháng nấm mốc từ rơm rạ mang tên Mộc của nhóm UST (gồm các sinh viên Trường Đại học Bách khoa và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) đã xuất sắc giành được giải Nhì cuộc thi Bach Khoa Innovation 2020.

Từ phát hiện nguồn nguyên liệu sản xuất chế phẩm bảo quản thực phẩm ở nước ta rất rẻ, phong phú và dồi dào (như vỏ trấu, rơm rạ, bã mía, bã cà phê), nhóm sử dụng dầu sinh học để chiết xuất, tách lấy những hợp chất có nguồn gốc thiên nhiên sau quá trình lắng, lọc, ly tâm. Đồng thời, nhóm cũng trích ly, trao đổi dung môi và pha loãng bằng dung môi xanh. 

Sau khi được pha loãng với nồng độ phù hợp, nguồn nguyên liệu ban đầu sẽ trở thành sản phẩm thiên nhiên mang đặc tính kháng nấm mốc, chống ố vàng trên các vật liệu có nguồn gốc từ cellulose.

Nhằm hướng tới việc sản xuất đại trà, nhóm đang tiếp tục thử nghiệm nhiều dung dịch, tỷ lệ để tạo nên nhiều mùi hương khác nhau, cũng như nghiên cứu cải tiến mức độ thẩm mỹ của sản phẩm.

► Cùng OISP khám phá thêm về sản phẩm độc đáo này tại đây nhé!

Giải Ba Từ nhà sáng tạo đến khởi nghiệp 2020 

Với mô hình máy phân loại rác ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nhóm năm sinh viên chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Cơ Điện tử, chương trình Tiên tiến ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử, chương trình Đại trà ngành Công nghệ May và ngành Kỹ thuật Hàng không đã đạt giải Ba cuộc thi Từ nhà sáng tạo đến khởi nghiệp.

Nhờ vào công nghệ phân tích ảnh, máy phân loại rác thông minh mang tên Yehchai có thể phân loại ba dạng rác thải cơ bản là ly giấy, lon nước và chai nhựa. Hiện tại, máy tốn khoảng 3 giây để hoàn thành mọi thao tác từ nhận dạng loại rác cho đến đưa rác về đúng hộc. Đặc biệt, bạn có thể nhận quà nếu phân loại rác theo đúng yêu cầu của máy.

Bên cạnh đó, dự án thú vị này cũng nhận được giải Nhì cuộc thi Bach Khoa Innovation 2020.

► Vậy cụ thể, máy phân loại rác ứng dụng trí tuệ nhân tạo này được thiết kế và hoạt động ra sao? Hãy cùng khám phá tại đây nhé!

Giải Nhì NSUCrypto 2020

Nguyễn Thanh Ngân, sinh viên chương trình Chất lượng cao ngành Khoa học Máy tính của Trường Đại học Bách khoa, đã xuất sắc giành được giải Nhì cá nhân cuộc thi Mật mã học Quốc tế NSUCrypto 2020 do các học viện, đại học của Nga, Bỉ, Belarus phối hợp tổ chức.

Tại hạng mục đồng đội, Nguyễn Phú Nghĩa – cũng là sinh viên chương trình Chất lượng cao ngành Khoa học Máy tính, cùng Thanh Ngân và Phạm Công Bách (sinh viên chương trình Đại trà ngành Khoa học Máy tính) đạt giải Nhì.

Cuộc thi nhằm giải quyết các bài toán khó hoặc các bài toán chưa có lời giải để thúc đẩy sự phát triển của mật mã học hiện đại.

► Cùng OISP điểm qua thông tin chi tiết về thành tích tuyệt vời này tại đây.

Giải Vô địch Expert Challenge 2020 của Intel Vietnam

Nhóm hai sinh viên Nguyễn La Thông (K2017) và Nguyễn Trọng Tín (K2018) chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Máy tính đã cùng nhau đoạt giải Vô địch cuộc thi Expert Challenge 2020 do Intel Việt Nam tổ chức.

Tại Vòng Chung kết cấp trường, hai chàng trai đã gây ấn tượng mạnh mẽ với Ban Tổ chức và khán giả về kiến thức chuyên môn cùng kinh nghiệm tự học trong lĩnh vực phần cứng, lắp ráp máy tính (mảng nội dung ít được đề cập trong nhà trường).

Vượt qua vòng chung cuộc đầy cam go, đôi bạn thân đã ẵm trọn giải Vô địch với tổng trị giá lên đến 55 triệu đồng.

► Gặp gỡ hai chàng trai năng động, giỏi giang này tại đây nhé!

Giải Nhì Sáng tạo vì biển đảo quê hương 2020

Trong khuôn khổ Liên hoan Tuổi trẻ Sáng tạo TP.HCM lần thứ XI-2020, dự án “Áo phao tích hợp nón phao dành cho người dân khu vực bão lũ” của nhóm sinh viên Bách khoa nhóm ngành Môi trường chương trình Chất lượng cao K2019 và K2020 đã vinh dự đạt giải Nhì cuộc thi Sáng tạo vì biển đảo quê hương.

Tuy dự án chỉ mới được thể hiện dưới dạng mô hình nhưng ban giám khảo đánh giá tính ứng dụng, hiệu quả kinh tế cùng khả năng sản xuất đại trà của dự án rất cao. Vì vậy, dự án đã được trao tặng giải Nhì (không có giải Nhất).

► Đọc thêm bài viết chi tiết tại đây.

Giải Nhất Tech Planter châu Á 2020

Tháng 11/2020, nhóm Biomass Lab của Trường Đại học Bách khoa đã xuất sắc giành được một trong ba giải Nhất của cuộc thi Tech Planter châu Á 2020. 

Các thành viên đến từ chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Hóa học và Công nghệ Thực phẩm. Dự án của nhóm bắt nguồn từ ý tưởng tận dụng bùn thải của các nhà máy giấy để tạo nên cellulose chất lượng cao, từ đó sản xuất vật liệu sinh học nanocrystal cellulose (CNC). 

Sau khi nhận thấy bùn thải từ quá trình sản xuất giấy vẫn chưa được xử lý tối ưu, dẫn đến ô nhiễm môi trường, nhóm Biomass Lab đã nghiên cứu cách chuyển hóa lên men phế phẩm này thành màng cellulose chất lượng cao.

Điểm sáng nổi bật nhất của công nghệ này là phần bùn giấy xấu, hôi, gây ô nhiễm môi trường và không có tính ứng dụng đã được chuyển thành vật liệu sinh học cao cấp. 

► Cùng tìm hiểu kỹ hơn về quy trình tiến hành dự án và hành trình chinh phục giải thưởng của nhóm Biomass Lab tại đây.

Giải Triển vọng Tìm kiếm Ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa 2020 của UNESCO

Vào ngày 11/12/2020, với những viên gạch gọn nhẹ từ nhựa phế thải, nhóm Octoplastic của Trường Đại học Bách khoa đã lọt vào “Top 6 đội thi có ý tưởng sáng tạo nhất” trong Vòng Chung kết cuộc thi Tìm kiếm Ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa do UNESCO tổ chức.

Nhóm Octoplastic gồm năm sinh viên K2018 chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Hóa học. Với độ bền cứng và khả năng chịu lực thỏa mãn tiêu chuẩn của nước ta, những viên gạch nhẹ này có thể được sử dụng để lát nhà, lát sân trên biển hoặc ốp tường cách âm trong khách sạn, phòng thu. Hiện nay, sản phẩm đang dùng đến 40-50% nhựa, còn lại là xi-măng cùng một số vật liệu khác.

► Khám phá loại gạch nhẹ độc đáo này tại đây.

Top 10 OISP Presentation Contest 2020

Máy đo thân nhiệt và rửa tay tự động tích hợp internet vạn vật là thành quả của nhóm sinh viên năm Nhất chương trình Chất lượng cao và chương trình Đại trà đến từ ngành Kỹ thuật Cơ khí, Kỹ thuật Môi trường và Kỹ thuật Máy tính. Sản phẩm được phát triển từ dự án cộng đồng trong học kỳ Pre-University.

Được tích hợp hệ thống internet vạn vật, máy có thể lưu trữ thông tin (hình ảnh nhận dạng khuôn mặt, thời gian vào cổng, kết quả đo thân nhiệt…) và truyền tải dữ liệu về trung tâm y tế. Nhờ đó, nhân viên y tế sẽ dễ dàng truy vết F0, từ đó phục vụ công tác phòng dịch hiệu quả.

Sản phẩm hiện đang ở phiên bản điều chỉnh thứ hai. Sau khi được hoàn thiện, máy sẽ được đặt tại các vị trí trong Trường Đại học Bách khoa nhằm hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19.

► Tìm hiểu chi tiết về đặc tính ưu việt của máy đo thân nhiệt và rửa tay tự động này tại đây nhé!

Giải Ba Cuộc đua số 2020

Vào ngày 20/12/2020, đội tuyển Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) đã đạt giải Ba Cuộc đua số diễn ra ở Hà Nội. Năm chiến binh của nhóm đều thuộc K2017 chương trình Tiên tiến và Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Máy tính và Khoa học Máy tính.

► Cùng xem lại những khoảnh khắc đáng nhớ của các chàng trai tại đây.

Giải thưởng URI và Eproject của USAID 2021

Tháng 3/2021, nghiên cứu “Đánh giá khả năng sử dụng trùn quế trong xử lý chất thải thực phẩm” do hai sinh viên chương trình Chất lượng cao, ngành Kỹ thuật Hóa học K2018 tiến hành đã được trao giải Nhất đồng hạng của cuộc thi Sáng kiến Nghiên cứu dành cho sinh viên (URI) thuộc dự án BUILD-IT của USAID (Mỹ).

Cũng thuộc khuôn khổ dự án này, dự án “Giải pháp tái sử dụng vật liệu xây dựng cho quy trình tái chế bùn sơn” do nhóm sinh viên ngành liên ngành Cơ khí, Công nghệ Vật liệu, Cơ Điện tử và Kỹ thuật Hóa học thực hiện đã đạt giải “Giải pháp hiệu quả nhất” và giải “Thiết kế poster đẹp nhất” ở cuộc thi eProject.

► Đọc thêm về hai dự án này tại đây.

Top 50 Solution Challenge 2021 của Google

Tháng 5/2021, dự án LIVEL của nhóm bốn sinh viên K2019 chương trình Chất lượng cao ngành Khoa học Máy tính đã lọt vào top 50 dự án nổi bật nhất cuộc thi Solution Challenge 2021 của Google.

LIVEL là ứng dụng du lịch trực tuyến hướng đến mục tiêu phát triển bền vững thứ tám của Liên Hợp quốc là tăng trưởng kinh tế và công việc tốt. 

► Cùng gặp mặt bốn bạn trẻ năng động, tài năng này tại đây.

Giải “Mitsui Chemicals Award” tại Tech Planter Vietnam 2021

Tại Vòng Chung kết cuộc thi Tech Planter Vietnam 2021 diễn ra vào ngày 16/6, nhóm TraToMa của Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) với dự án “Tái chế rác thải nhựa để tạo sợi nhựa in 3D” đã được trao tặng giải thưởng “Mitsui Chemicals Award” với tổng giá trị giải thưởng lên đến 2.500 SGD.

Nhóm TraToMa bao gồm bốn sinh viên chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Hóa học), chương trình Chất lượng cao ngành Điện – Điện tử, chương trình Đại trà ngành Cơ khí) và chương trình Đại trà ngành Kỹ thuật Cơ Điện tử.

Để thực hiện dự án, nhóm thu gom rác thải từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó phân loại, thử nghiệm đặc tính nóng chảy, tạo sợi, cuối cùng sản xuất sợi nhựa 3D với chi phí tiết kiệm và chất lượng tốt hơn so với những loại sợi tương tự trên thị trường.

► Theo chân nhóm TraToMa khám phá về hành trình tiến hành dự án bảo vệ môi trường ý nghĩa này tại đây.

Giải Ba Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng, lọt vào Vòng Chung kết Bach Khoa Innovation 2021

Với sản phẩm máy sấy nhà kính năng lượng mặt trời thông minh, nhóm năm sinh viên thuộc đến từ chương trình Kỹ sư Việt – Nhật ngành Cơ khí và chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Hóa học, Kỹ thuật Xây dựng, Môi trường và Tài nguyên đã xuất sắc giành được giải Ba Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng, cũng như góp mặt ở Vòng Chung kết cuộc thi Bach Khoa Innovation 2021.

Bằng cách kết hợp tấm polycarbonate với vật đen, nhóm đã tích hợp thành công bốn chức năng chính cho chiếc máy đặc biệt này, đó là bẫy nhiệt trong lòng buồng sấy, loại bỏ vi sinh bằng tia UV, giám sát – điều khiển quá trình sấy từ xa và phân tích – dự báo dữ liệu.

Hiện nay, các thành viên đang cố gắng hoàn thiện ứng dụng (app tốt nhất), từ đó nâng cao hiệu suất sử dụng và cải thiện trải nghiệm người dùng. Đồng thời, nhóm bạn trẻ cùng các giảng viên Bách khoa cũng tiếp tục nghiên cứu cơ bản này thành nhiều sản phẩm hữu ích, mang đến giá trị thiết thực cho cộng đồng.

Xuất bản bài báo nghiên cứu trên tạp chí PeerJ Computer Science

Mới đây, bài báo “GAC3D: Improving monocular 3D object detection with ground-guide model and adaptive convolution” của bạn Ngô Đức Tuấn (sinh viên K2017 chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Máy tính) và bạn Bùi Việt Minh Quân (sinh viên K2017 chương trình Tài năng ngành Khoa học Máy tính) đã được tạp chí PeerJ Computer Science chấp nhận.

Suốt bốn năm đại học, Đức Tuấn luôn là chàng trai nổi bật của Khoa Khoa học Máy tính với hàng loạt thành tích siêu “khủng” như: học bổng khuyến khích học tập OISP 7 học kỳ, danh hiệu Sinh viên OISP xuất sắc năm 2017-2018, 2018-2019, 2019-2020, giải Ba vòng chung kết cuộc thi Cuộc đua số năm 2020, giải Nhất Hội nghị Nghiên cứu khoa học sinh viên OISP lần VI, giải Nhì Hội nghị Nghiên cứu khoa học sinh viên OISP lần VIII, học bổng Honda Award 2020

► Nào, cùng OISP phỏng vấn nhanh anh chàng “học bá” tại đây.

Công bố nghiên cứu khoa học ở ICERES 2021

Với dự án nuôi trùn quế để xử lý rác thải, Trịnh Mai Hoàng Anh và Phạm Kim Khánh (sinh viên K2018 chương trình Chất lượng cao ngành Kỹ thuật Hóa học), đã xuất sắc giành được đồng giải Nhất chương trình Năng lực nghiên cứu sinh viên (URI) 2020, dưới sự hướng dẫn của TS. Võ Thanh Hằng (giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên).

Nhờ nguồn tài trợ từ chương trình này, nhóm đã tiếp tục nghiên cứu, triển khai và viết thành bài báo khoa học “The Potential of Earthworm (Perionyx Excavatus) in Food Waste Treatment in Ho Chi Minh City” để trình bày trong Hội nghị Quốc tế về Môi trường, Tài nguyên & Khoa học Trái đất (ICERES) 2021 vào tháng 10/2021.

► Đọc bài viết đầy đủ tại đây.

Hiện tại, phần lớn các dự án trên vẫn đang tiếp tục triển khai hoặc tham gia nhiều cuộc thi uy tín trong nước và quốc tế như: Bach Khoa Innovation 2021, Sinh viên với Sở hữu trí tuệ 2021, Sáng tạo và Khởi nghiệp Internet+, Sunwah Innovations

Bài trước

Bài tiếp