SV Kiến trúc Bách khoa báo cáo bài tập lớn cùng giảng viên Canada

SV chương trình Giảng dạy bằng tiếng Anh có cơ hội trình bày trước hội đồng chuyên môn gồm các thầy cô Trường ĐH Bách khoa và ĐH Québec Motréal (Canada).

Bài viết liên quan
Kiến trúc sư giỏi phải cân bằng cả về mỹ thuật và kỹ thuật
Chọn Kiến trúc Bách khoa vì được học bằng tiếng Anh
SV BK-OISP đạt giải Ba liên hoan SV Kiến trúc toàn quốc 2022

PHÁT TRIỂN TƯ DUY KHÔNG GIAN QUA MÔN HỌC VẼ KỸ THUẬT KIẾN TRÚC

Buổi báo cáo và triển lãm sản phẩm từ môn học Vẽ Kỹ thuật Kiến trúc, chương trình Giảng dạy bằng tiếng Anh.

Ngày 25/5/2023 vừa qua, tại Phòng Chuyên đề Khoa Kỹ thuật Xây dựng, sinh viên ngành Kiến trúc – chuyên ngành Kiến trúc Cảnh quan, chương trình Giảng dạy bằng tiếng Anh, khóa 2022, đã hào hứng tranh tài trong buổi báo cáo môn Vẽ Kỹ thuật Kiến trúc. Với đề bài “Nghiên cứu lịch sử và đặc điểm kiến trúc, đo đạc và vẽ ghi toàn bộ công trình Đền thờ Vua Hùng tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn”, 23 sinh viên tham gia đã trải qua ba tuần để nghiên cứu, thực hiện sản phẩm của mình.

Buổi nghiệm thu kết quả bài tập lớn đã được tổ chức lồng ghép thành một buổi triển lãm – thuyết trình về giá trị kiến trúc của công trình đã vẽ ghi; giao lưu, chia sẻ học thuật và kinh nghiệm trình bày bản vẽ kỹ thuật kiến trúc. Buổi báo cáo tổng kết đã được diễn ra ngay tại không gian triển lãm do chính các sinh viên trong lớp học chuẩn bị. Từng nhóm trình bày kết quả làm việc của mình, chia sẻ về những bài học rút ra sau quá trình thực hiện bài tập và trả lời các câu hỏi của giảng viên cũng như khách mời tham dự.

Sinh viên trình bày sản phẩm Vẽ Kỹ thuật Kiến trúc

Buổi báo cáo có sự tham gia của các giảng viên Trường ĐH Bách khoa và ĐH đối tác, bao gồm:

  • TS. KTS. Lê Thị Hồng Na – giảng viên Bộ môn Kiến trúc, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM) – phụ trách môn học Vẽ Kỹ thuật Kiến trúc
  • ThS. KTS. Nguyễn Quốc Vinh, Trưởng Bộ môn Kiến trúc, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG-HCM)
  • ThS. KTS. Phạm Thanh Trà, giảng viên Bộ môn Kiến trúc, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG HCM)
  • ThS. Đặng Nguyễn Thiên Hương, giảng viên Khoa Đô thị học, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHQG-HCM)
  • Mr. Alexandre Labelle, ĐH Québec Montréal (Canada)

Ngoài ra, nhóm sinh viên ngành Quy hoạch Đô thị đến từ ĐH Québec Montréal (Canada) và sinh viên ngành Kiến trúc, chuyên ngành Kiến trúc Cảnh quan, chương trình Giảng dạy bằng tiếng Anh, khóa 2021 cũng tham gia học hỏi.

Thầy Alexandre Labelle (chỉ tay) chia sẻ với sinh viên về bố cục sản phẩm.
Sinh viên ngành Quy hoạch Đô thị đến từ ĐH Québec Montréal (Canada) trao đổi với sinh viên Bách khoa.

“Sinh viên rất có trách nhiệm và hào hứng với cách thực hiện báo cáo này. Cả bốn bài báo cáo làm rất tốt, có khung chương trình cụ thể cho buổi báo cáo, mô hình Đền thờ Vua Hùng tương đối đẹp, có sự chuẩn bị về các nội dung báo cáo nhưng cần nghiên cứu kỹ hơn để trả lời các câu hỏi và phản biện cùng với khách mời” – TS. KTS. Hồng Na nhận định.

Thầy Alexandre Labelle, đến từ University of Québec in Móntreal, đánh giá đây là hoạt động ý nghĩa, giúp sinh viên phát huy tính sáng tạo, khơi gợi niềm đam mê với môn học, phát triển tư duy về không gian, tích lũy kiến thức lịch sử và đến gần hơn với các công trình di sản kiến trúc.

BÀI TẬP PHẢI GẮN LIỀN VỚI THỰC TẾ NHIỀU NHẤT CÓ THỂ

Những bài tập trong môn học Vẽ Kỹ thuật Kiến trúc đều được giảng viên cố gắng lồng ghép sao cho gắn với thực tiễn nhiều nhất có thể. Đặc biệt, bài tập lớn của môn học này là bài tập thực hành vẽ ghi một công trình kiến trúc thực tế. Trong học kỳ này, giảng viên bộ môn chọn công trình Đền thờ Vua Hùng ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Sinh viên cần tự tìm hiểu trước về lịch sử, các giá trị vật thể và phi vật thể của công trình kiến trúc được chọn.

TS. KTS. Lê Thị Hồng Na (đứng giữa) và ThS. KTS. Nguyễn Quốc Vinh (bìa trái) nhận xét về sản phẩm của sinh viên.

Buổi khảo sát thực tế được tổ chức kết hợp với các hoạt động của CLB Ký họa Kiến trúc Bách Khoa. Sinh viên được giới thiệu về đặc điểm kiến trúc của công trình và hướng dẫn phương pháp đo đạc, thu thập thông tin thực tế. Song song đó, ngay tại khuôn viên cảnh quan của công trình, các kiến trúc sư trẻ và sinh viên ngành kiến trúc thuộc CLB cũng tiến hành vẽ ký họa công trình Đền thờ Vua Hùng. Điều đó đã tạo nên một không khí hấp dẫn, đẹp mắt và nhiều cảm hứng cho những người yêu kiến trúc và yêu nghệ thuật ký họa.

Thành quả bài tập lớn của sinh viên Kiến trúc Bách khoa.

Cách tổ chức học tập này giúp cho sinh viên rèn luyện nhiều kỹ năng như đo đạc thể hiện bản vẽ kỹ thuật kiến trúc một công trình thực tế, dựng mô hình, bố cục sản phẩm và cách thức tổ chức triển lãm. Đặc biệt, đây là giúp sinh viên bổ sung kiến thức, học hỏi nhiều hơn về các công trình lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, với thời gian làm bài giới hạn, sinh viên phải phát huy tính chủ động, làm việc nhóm, thuyết trình, lập kế hoạch và quản lý thời gian một cách hiệu quả. Trong khuôn khổ buổi báo cáo, thuyết trình lần này, sinh viên Kiến trúc chương trình Giảng dạy bằng tiếng Anh còn có môi trường để trao đổi kinh nghiệm, giao lưu, học hỏi giữa sinh viên trong ngành cũng như với sinh viên quốc tế.

Môn Vẽ Kỹ thuật Kiến trúc trang bị cho sinh viên kỹ năng mô tả, giải quyết các bài toán về không gian ba chiều trên giấy, giúp phát triển khả năng tư duy không gian, mô tả biểu diễn bằng hình ảnh trên bản vẽ kỹ thuật kiến trúc, cung cấp cho sinh viên kiến thức và kỹ năng diễn họa kiến trúc để áp dụng vào các dự án và công việc thiết kế sau này.

Nội dung yêu cầu của đề bài mà cả các nhóm đều phải thực hiện là như nhau. Tuy nhiên, các họa tiết trang trí trong tổng thể kiến trúc và cảnh quan khác nhau được giao cho từng nhóm thực hiện riêng và phải đảm báo tính nhất quán.

Sau đó, sinh viên tiếp tục triển khai bản vẽ theo yêu cầu và chủ động sắp xếp việc đi khảo sát lại, thu thập thêm dữ liệu cần thiết theo nhu cầu của từng nhóm. Quá trình thực hiện bản vẽ của các nhóm có sự hướng dẫn sát sao của giảng viên và trợ giảng. Tất cả các nhóm sinh viên cũng được yêu cầu phối hợp với nhau để cùng thực hiện một mô hình thu nhỏ của công trình.

Bài: GIA NGHI – Hình: TS. KTS. LÊ THỊ HỒNG NA

Bài trước

Bài tiếp